Việc giá xăng dầu tăng mạnh trong thời gian vừa qua theo giá xăng dầu thế giới, trong khi sức chi của Quỹ bình ổn xăng dầu có dấu hiệu “đuối”, nhiều ý kiến tiếp tục đề xuất không nên duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu, nên để thị trường tự điều tiết, doanh nghiệp cạnh tranh sòng phẳng.

https://thuonghieucongluan.com.vn/bo-tai-chinh-khong-nen-duy-tri-quy-binh-on-xang-dau-a174365.html?fbclid=IwAR10r-dKa7RZdfasGTrkD7Ubwd6Iv3nXCXK_FofXvgKEaKs2x0ltMPTkI4s

Cụ thể,Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Tại dự thảo, Bộ Tài chính cho rằng bình ổn giá được xác định là một biện pháp nhằm ứng phó với những biến động bất thường của giá cả trong những bối cảnh kinh tế xã hội nhất định.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Đối với các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như Luật hiện hành, tuy nhiên Bộ Tài chính đã đưa ra một số điều chỉnh theo nội dung chính sách. Cụ thể, bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá. Hiện nay chỉ tồn tại Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Vì vậy quy định trong dự thảo được thông qua thì Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ bị hủy bỏ. Bộ Tài chính cho rằng gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.

Ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính thông tin, Bộ đang dự thảo sửa đổi Luật Giá theo nguyên tắc kiên trì thực hiện nguyên tắc thị trường. Theo ông Tuấn, thực chất Quỹ bình ổn giá xăng dầu này là trích từ người tiêu dùng. Trong thời gian qua đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Để phù hợp và tiến tới nguyên tắc thị trường, chúng ta phải đảm bảo giá của xăng dầu phù hợp với nguyên tắc thị trường, cùng với đó sử dụng các nguyên tắc bình ổn giá khác, như về cung cầu, về thuế để ổn định giá xăng dầu là mặt hàng chiến lược.

Quan điểm của Bộ Tài chính đưa ra khiến dư luận rất quan tâm và có nhiều ý kiến khác nhau. Bởi Quỹ hoạt động theo nguyên tắc “lấy nó nuôi nó”. Khi giá xăng dầu ở mức thấp, người mua trả thêm một khoản nộp vào quỹ, sau đó dùng tiền này để bù vào khi giá tăng cao. Vì là “lấy nó nuôi nó” nên tiền thu vào quỹ là của dân, doanh nghiệp xăng dầu chỉ thu và giữ hộ, cơ quan điều hành giá sẽ điều tiết quỹ để can thiệp nhằm giữ giá xăng dầu không tăng sốc, giảm sâu.

Trong khi đó, với Quỹ bình ổn giá xăng dầu Nhà nước không phải chi tiền nhưng vẫn điều tiết và giữ giá xăng dầu biến động theo đồ thị hình răng cưa thay vì “lên đỉnh, xuống vực” gây sốc cho người tiêu dùng và nền kinh tế.

Quỹ không giúp người tiêu dùng giảm chi phí

Cho ý kiến về vấn đề này, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận xét, về cơ bản, quỹ bình ổn xăng dầu không giúp người tiêu dùng giảm chi phí.

Cách thức hoạt động của quỹ là “chỉ lấy tiền trước, rồi sau đó trả lại cho bà con vào một lúc nào đó”. Mục tiêu của quỹ, theo chuyên gia, như tên của chính nó, đó là “bình ổn” hay làm giảm sự truyền tải biến động (volatility) của giá thế giới vào giá trong nước. Các mục tiêu khác, nếu có, chỉ là phụ.

Theo ông Phạm Thế Anh, việc xả quỹ thường được thực hiện khi giá thế giới kỳ liền trước tăng, trích lập quỹ khi giá thế giới kỳ liền trước giảm.

“Tất nhiên, cách làm này không nhất thiết làm giảm được sự biến động (volatility) của giá trong nước. Ví dụ, nếu giá kỳ trước tăng, nhưng vẫn đang ở dưới mức giá trung bình trong dài hạn, thì việc xả quỹ lại càng làm giá trong nước chậm hội tụ về mức giá trung bình, do vậy làm tăng “volatility”, ông Phạm Thế Anh nói.

Tương tự, nếu giá kỳ trước giảm, nhưng vẫn đang cao hơn mức giá trung bình trong dài hạn, thì việc trích lập quỹ càng làm cho nó chậm tiến về mức giá trung bình.

Nhìn chung, theo vị chuyên gia này, để làm giảm tính biến động của giá trong nước, quỹ phải được sử dụng sao cho giá trong nước xoay quanh càng gần mức giá trung bình. Kết quả tính toán hệ số biến thiên (coefficient of variation), một thước đo mức độ biến động giá của các loại xăng dầu cũng cho thấy rõ điều này.

Ông Phạm Thế Anh cũng lấy một dẫn chứng cụ thể cho thấy việc điều hành quỹ làm giảm biến động giá RON 95, dầu diesel và dầu hỏa nhưng lại làm tăng biến động giá E5 RON 92 và dầu mazut. Tuy nhiên, chênh lệch giữa biến động giá nếu sử dụng quỹ và không sử dụng quỹ là khá nhỏ.

“Ngoài ra, mặc dù giá các loại xăng dầu luôn có biến động cùng nhau (cùng tăng, cùng giảm) trong kỳ, nhưng không phải tất cả chúng đều phải trích nộp hay được xả quỹ cùng lúc. Trong cùng một kỳ, việc có loại xăng dầu phải trích nộp, có loại không, có loại được xả quỹ diễn ra thường xuyên, tương đối là tùy hứng”, ông Thế Anh nhận xét.

Ông tính toán cho thấy, trong giai đoạn 01/01/2020 đến 01/04/2022, có tất cả 56 lần điều chỉnh giá thì xăng E5 RON 92 có 43 lần được xả quỹ và chỉ có 13 lần phải trích nộp quỹ; xăng RON 95 có 33 lần được xả quỹ trong khi chỉ phải trích nộp 20 lần.

Ngược lại, các mặt hàng dầu diesel có 24 lần được xả, 32 lần phải trích nộp; dầu hỏa có 21 lần được xả, 29 lần phải trích nộp; dầu mazut có 20 lần được xả, 27 lần phải trích nộp, còn lại là những lần không có thay đổi.

Còn theo TS.Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế cho rằng, rất khó để bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. “Thực tế, nhiều chuyên gia kinh tế và bản thân tôi cũng muốn bỏ quỹ này tuy nhiên hiện nay chưa phải lúc. Bởi nếu muốn bỏ Quỹ bình ổn mặt hàng xăng dầu cơ quan quản lý phải có một cơ chế khác để điều chỉnh. Muốn giá xăng dầu vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường thực sự là một vấn đề lớn” – TS. Thịnh cho biết.

Đồng thời, TS.Thịnh còn cho rằng, Quỹ bình ổn giá xăng chỉ có tác dụng giảm đà tăng sốc của giá xăng dầu. “Vấn đề quan trọng là làm sao thực hiện đúng các quy định nhà nước về việc trích lập cũng như xử lý quỹ bình ổn này. Khoảng 2-3 năm gần đây, công tác sử dụng quỹ này đã được liên bộ công khai, minh bạch và cơ chế trích, xả quỹ tương đối rõ ràng”.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, lâu nay có hai luồng ý kiến trái chiều là “giữ và bỏ”. Hầu hết chuyên gia đều cho rằng nên bỏ quỹ này vì theo cơ chế thị trường, do thị trường tự điều tiết. Hơn nữa, quỹ này về bản chất là do người tiêu dùng tự bỏ tiền ra, trong khi nhiệm vụ bình ổn đáng lẽ là của Nhà nước. Ngược lại, cơ quan chức năng cho rằng vẫn nên giữ quỹ này, đặc biệt trong bối cảnh Nhà nước còn định giá và tần suất điều chỉnh giá tương đối dài, 10-15 ngày.

“Bản thân tôi cho rằng nếu thời gian điều hành giá xăng dầu được rút xuống còn 2-3 ngày/lần thì nên bỏ quỹ bình ổn. Vì với tần suất điều hành ngắn như vậy, việc cân nhắc mức trích quỹ, xả quỹ bao nhiêu cho phù hợp cũng rất phức tạp, khó điều hành. Còn với tần suất điều hành 10 ngày/lần như hiện nay thì không nên bỏ quỹ bình ổn” – ông Long nêu quan điểm.

Lê Pháp (T/h)