Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021 quy mô các chính sách hỗ trợ ước khoảng 10,5 tỷ USD, tương đương 2,85% GDP, chưa thực sự hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp, người dân. Ảnh: Song Lê |
Bối cảnh cấp thiết, “cực kỳ khó khăn”
Nền kinh tế đang ở ngưỡng “cực kỳ khó khăn”, bối cảnh đang rất cấp thiết là cách nói của chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực tại cuộc hội thảo lấy ý kiến về đề cương chương trình phục hồi và phát triển kinh tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức mới đây. Theo ông Cấn Văn Lực, nếu không có chương trình phục hồi tổng thể thì có nguy cơ không đạt được kế hoạch 5 năm, tụt hậu khi các nước khác đang phục hồi nhanh.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam công bố tháng 10/2021, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam ở mức 2,0% đến 2,5%, thấp hơn đáng kể so với mức 4,8% được công bố thời điểm tháng 8/2021. WB khuyến nghị các cấp có thẩm quyền nên áp dụng chính sách tài khóa mở rộng và sử dụng các công cụ tài khóa khác nhau trong khả năng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam chỉ đạt 1,8% ở kịch bản cao hoặc 0,2% ở kịch bản thấp. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021, trong đó, nếu lạc quan, thì tăng trưởng dự kiến ở mức 2 – 2,2% và ở kịch bản xấu là 1 – 1.5%.
Theo Bộ KH&ĐT, với các kịch bản dự báo khả quan nhất, nếu không có các chính sách, giải pháp quyết liệt, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021 – 2025 chỉ khoảng 5,7%/năm, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.
Trong khi đó, để đạt mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, theo ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), tăng trưởng trung bình hàng năm từ 2022 – 2025 phải khoảng 7,5%.
Còn dư địa cho những gói hỗ trợ lớn hơn
Ông Cấn Văn Lực cho biết, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tính đến hết quý II/2021, 197 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cam kết chi 17.910 tỷ USD, tương đương 16% GDP toàn cầu năm 2020. Riêng các nước mới nổi tung ra gói hỗ trợ khoảng 7,7% GDP năm 2020. Các nước chấp nhận nợ công tăng (từ 86% GDP năm 2019 lên đến 104% GDP năm 2021), thâm hụt ngân sách tăng (từ 3,2% GDP năm 2019 lên 10% GDP năm 2021).
Tại Việt Nam, theo nhiều ý kiến, quy mô các chính sách hỗ trợ còn tương đối thấp. Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, năm 2021 quy mô các chính sách hỗ trợ ước khoảng 10,5 tỷ USD, tương đương 2,85% GDP, chủ yếu tác động về phía cung, chưa thực sự hỗ trợ mạnh mẽ cho người dân, doanh nghiệp; chưa có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực để thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả cung và cầu của nền kinh tế.
Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần sớm có chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 đủ lớn nếu không muốn nền kinh tế rơi vào tụt hậu, khó hồi phục và chi phí hồi phục sẽ lớn hơn rất nhiều nếu chậm trễ. Theo Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, việc quyết tâm, chủ động, khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi nền kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng là rất cần thiết và cần có phương án cân đối xây dựng gói kích thích kinh tế với quy mô đủ lớn để tạo hiệu ứng sâu rộng, tính lan tỏa cao, bảo đảm mục tiêu phục hồi nền kinh tế, an sinh xã hội.
Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF cho rằng, Việt Nam có thể mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân nhiều hơn.
Còn theo ông Cấn Văn Lực, gói hỗ trợ nền kinh tế cần có quy mô lớn hơn, dài hơi hơn, có thể tạm thời chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách nhích lên. Còn dư địa để làm những việc đó. Việc huy động nguồn lực có thể thông qua nhiều hình thức như phát hành trái phiếu chính phủ hoặc vay nước ngoài, lãi suất quốc tế đang thấp và nhiều định chế tài chính sẵn sàng cho vay. Song hành sẽ có lộ trình để kiểm soát, củng cố vĩ mô.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, so sánh với giai đoạn 1999 – 2011, dư địa chính sách hiện nay tốt hơn rất nhiều. Đó là lạm phát thấp và ổn định; bội chi ngân sách và nợ công tốt hơn; cán cân đối ngoại tốt hơn nhiều, dự trữ ngoại tệ trên 100 tỷ USD… “Dư địa chính sách còn hay không còn, lớn hay nhỏ là do quan điểm đánh giá. Tôi cho là còn và Nhà nước không chi bây giờ cứu dân, cứu doanh nghiêp là có tội”, ông Nguyễn Đình Cung nói. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn lực phải đúng mục đích, đúng đối tượng và hiệu quả, với các giải pháp cụ thể, khả thi và có thể thực hiện được ngay, nhanh, trong thời hạn đã định.
Nhiều ý kiến nhận định, các tác động dự kiến của chương trình phục hồi kinh tế có thể mở rộng nguồn thu, tạo điều kiện tăng thu, mở rộng không gian tài khóa trong tương lai; đồng thời giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phát triển. Từ đó giải quyết nợ xấu, ổn định thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng. Việc gia tăng chi tiêu trong ngắn hạn một cách hiệu quả có thể mang lại lợi ích lớn hơn trong tương lai. Đồng thời, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, bên cạnh thực hiện chương trình hỗ trợ, sẽ có biện pháp quản trị rủi ro và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện.