(ĐTTCO) – Chỉ số lạm phát có xu thế giảm, song điều này không phản ánh tính tích cực việc phục hồi nền kinh tế. Đó là tốc độ tăng trưởng trung bình đang chậm lại qua các giai đoạn, trong khi tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn trở nên biến động hơn.
Khu vực tư nhân đang sụt giảm rất mạnh, phản ánh những khó khăn rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. |
Tăng trưởng GDP có xu hướng chậm lại
Số liệu tăng trưởng GDP quý II tuy có cao hơn so với quý I (4,1% so với 3,32%), nhưng vẫn còn ở mức thấp hơn rất nhiều so với trung bình 5 năm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra (mức trung bình là 7,1%). Còn trong 6 tháng đầu năm có thể nhận thấy, ngoài nhóm ngành nông-lâm-thủy sản vẫn giữ được sự tăng trưởng đáng kể, các nhóm ngành khác còn lại đều xuất hiện các dấu hiệu đáng lo ngại: tỷ lệ hàng hóa tồn kho tăng cao.
Điều này cho thấy nền tảng phục hồi kinh tế không chắc chắn, phản ánh rõ qua các chỉ dấu như: ngành công nghiệp chế biến chế tạo liên quan đến xuất khẩu và bất động sản sụt giảm mạnh; đầu tư công được xem là một trong những trụ cột nâng đỡ tăng trưởng kinh tế, tuy có ít nhiều đã giúp thúc đẩy tăng trưởng của ngành xây dựng song vẫn ở mức thấp; sản xuất và phân phối điện được cải thiện song chủ yếu cũng chỉ dựa vào yếu tố thời tiết (nắng nóng).
Nhóm ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú lẽ ra phải tăng trưởng mạnh, thì đã không còn có sự tăng trưởng đột biến như những năm trước dù đang cao điểm của mùa du lịch; dịch vụ tài chính tăng chậm trong khi kinh doanh bất động sản tiếp tục đà suy giảm.
PGS.TS PHẠM THẾ ANH, Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên nhóm tư vấn của Ủy ban Kinh tế Quốc hội |
Nếu soi kỹ vào từng ngành sẽ thấy rõ. Đơn cử như sản xuất công nghiệp, nhóm ngành này đang có sự suy giảm mạnh. Chỉ số VA (phần giá trị mới sáng tạo) toàn ngành công nghiệp nói chung và sản xuất chế biến chế tạo nói riêng, dù trong quý II-2023 tăng lần lượt tăng 1,56% và 1,18%, nhưng chỉ số sản xuất của các ngành này vẫn đứng yên và gần như không đổi.
Sự chững lại của sản xuất cũng liên quan mật thiết đến tình hình “sức khỏe” của các doanh nghiệp, đó là tình hình đăng ký doanh nghiệp đang xấu đi. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động giảm, trong khi số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể tăng cao.
Lạm phát giảm, nhưng sức cầu yếu dần
Trong bối cảnh chung đó, đáng chú ý là sự trái ngược với những dự báo trước đây, chỉ số lạm phát dường như có xu hướng giảm. Nhưng điều này cũng không đủ để xua đi những lo ngại về “sức khỏe” nền kinh tế. Bởi nguyên nhân dẫn đến xu thế lạm phát giảm lại bắt nguồn từ nguyên nhân tổng cầu của nền kinh tế yếu. Có thể thấy hiện nay cả 3 động lực chính kích thích tổng cầu nền kinh tế đều có sự suy giảm.
Thứ nhất, đó là tổng mức bán lẻ tuy có tăng tốt trong quý I-2023, nhưng đang chậm lại trong quý II. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I-2023 tăng 13,9%, nhưng chung cho 6 tháng đầu năm chỉ còn tăng ở mức 10,9%. Tiêu dùng tăng chậm lại do hệ quả từ lãi suất cao (duy trì từ đầu năm đến khoảng tháng 5 mới điều chỉnh), khiến thu nhập và tài sản của người dân giảm xuống.
Nếu quan sát kỹ sẽ thấy tỷ lệ lạm phát tổng thể giảm nhanh, lạm phát cơ bản giảm chậm hơn. Đó là do thu nhập của người dân giảm sút, thị trường tài sản sụt giảm (nhiều nhất ở lĩnh vực bất động sản và cổ phiếu), cung tiền tăng chậm và lãi suất cao…
Thứ hai, đầu tư công trong những tháng gần đây tăng khá, nhưng không đủ thành động lực chính kích thích tăng trưởng khi các thành phần đầu tư khác đều yếu.
Đầu tư từ vốn Nhà nước tuy tăng mạnh nhưng còn thấp, ở mức dưới so với kế hoạch (do thiếu động lực, vướng pháp lý, giá nguyên vật liệu tăng cao).
Đầu tư tư nhân tăng rất chậm do lãi suất cao, khó tiếp cận tín dụng và phát hành trái phiếu/cổ phiếu, và đặc biệt là do niềm tin giảm sút. Trong khi đó, đầu tư FDI ổn định, tuy nhiên khó tăng mạnh bởi các yếu tố bất thuận từ bên ngoài (kinh tế thế giới và xuất khẩu vẫn chưa hồi phục).
Thứ ba, xuất nhập khẩu – một trong những trụ cột chính của tăng trưởng đã giảm mạnh hơn qua các quý. Xuất khẩu hàng hóa quý I giảm 10% và đến quý II giảm tới 14,2%. Nhập khẩu hàng hóa cũng giảm, quý I giảm 13,6% và quý II giảm 22,3%. Khoảng 65% giá trị xuất khẩu thuộc về khối doanh nghiệp FDI, điều này càng cho thấy các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trong nước đang gặp nhiều khó khăn. Xu hướng tiếp tục khó khăn và rủi ro mất hẳn đơn hàng từ các thị trường lớn là điều chực chờ các doanh nghiệp phía trước.
Chính bởi 3 trụ cột của tổng cầu suy yếu đã dẫn đến chỉ số lạm phát có xu thế giảm. Theo tính toán, giá điện và lương cơ bản tăng song không gây sức ép nhiều với lạm phát. Dự kiến CPI trung bình cả năm tăng xấp xỉ 3% và CPI cơ bản tăng 3,5-4%.
Vài hàm ý về chính sách
Nhìn bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm, có thể thấy tăng trưởng hồi phục nhẹ nhưng ở mức thấp so với điều kiện bình thường và có nguy cơ kéo dài. Do vậy việc trước mắt phải làm là cần kích cầu nền kinh tế, từ đó vực dậy khu vực sản xuất. Có thể sử dụng một số biện pháp hỗ trợ tổng cầu có chọn lọc, nhưng cần kết hợp các chính sách cải thiện tổng cung tiềm năng.
Kích cầu cần phải đảm bảo các nguyên tắc kịp thời, bởi nhìn chung độ trễ của chính sách khá lớn (như giảm Thuế VAT, tăng đầu tư công, phát triển nhà ở xã hội), trong khi đó tình hình kinh tế diễn biến nhanh. Bên cạnh đó, cũng chỉ nên xem kích cầu là giải pháp trong ngắn hạn và thực hiện tạm thời, với mục đích kích thích được phản ứng của doanh nghiệp và người tiêu dùng, tránh gây nên các bất ổn khác như lạm phát, tỷ giá, bong bóng giá tài sản.
Ưu tiên các biện pháp kích cầu tạm thời, nhưng cần chú trọng kích cầu phải đúng đối tượng, hướng vào đối tượng có nhu cầu/cần chi tiêu cao, hướng vào hàng hóa nội địa. Hiện tại việc giảm Thuế VAT và phí trước bạ có lẽ vẫn chưa thực sự đúng đối tượng.
Cùng với kích cầu, nên khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua hạ lãi suất cho vay (giảm chi phí vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán, kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản). Sử dụng tín dụng thuế đầu tư (Investment Tax Credit) ngắn hạn, song cần phải lưu ý đến kiểm soát tăng trưởng cung tiền (nên ở quanh mức 10%) và tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập.
Cuối cùng, đó là cần tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, tránh dàn trải. Đầu tư công cũng chính là giải pháp lâu dài, tránh được những tác động phụ không đáng có đối với nền kinh tế.