(PLVN) – Theo các chuyên gia, mô hình của hợp tác xã Việt Nam phải là mô hình của người nông dân vì vậy dự thảo Luật Hợp tác xã cần tập trung tạo ra mô hình thực sự phát huy trí tuệ tập thể người nông dân hơn là những quy định đóng khung cứng nhắc.
Tại chương trình, PGS.TS Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho biết, Luật Hợp tác xã (HTX) hiện hành được Quốc hội khóa XIII thông qua vào kỳ họp thứ 4 năm 2012 và bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2013 cho đến nay đã đi vào cuộc sống được gần 10 năm.
Bên cạnh phát huy hiệu quả thì việc Luật HTX đã bộc lộ nhiều hạn chế, cho thấy khu vực này vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng đáp ứng nhu cầu chính đáng của người lao động cũng như loại hình kinh doanh – sản xuất phù hợp với phương thức hợp tác bình đẳng này. Bên cạnh đó còn xuất hiện nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng chính sách ưu đãi của nhà nước đối với loại hình HTX, núp bóng HTX để trục lợi.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) phát biểu tại chương trình.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, bản chất HTX ra đời là phục vụ thành viên, chứ không phải kinh doanh nên phải có đối tượng để phục vụ. Một điều vướng trong Luật HTX 2012 là quy định phần lớn dịch vụ phải phục vụ thành viên nhưng lại quên rằng khi HTX thành lập phải đăng ký dịch vụ phục vụ thành viên nên sẽ gây khó khăn cho HTX khi hoạt động.
Về vấn đề giao dịch nội bộ, trong Luật HTX năm 2012 có quy định về tỷ lệ giao dịch với các thành viên, giao dịch ngoài thành viên. Nhưng trong quá trình hoạt động của HTX cho thấy, Luật HTX năm 2012 chưa làm rõ được giao dịch nào được xem là giao dịch nội bộ, giao dịch nào không phải là giao dịch nội bộ, trên cơ sở đó khó thiết kế các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp cho HTX. Hiện, giao dịch như thế nào là nội bộ vẫn đang chờ Chính phủ hướng dẫn, quy định trong Dự thảo Luật HTX (sửa đổi).
“So với Nhật Bản, Đức, các HTX Việt Nam không hoặc ít tiếp cận được tín dụng vì Việt Nam không có thị trường tín dụng cho riêng khu vực này. Và hiện trong dự thảo Luật HTX (sửa đổi) cũng chưa quy định cụ thể về tín dụng cho riêng HTX.
Nếu doanh nghiệp sống được là nhờ đối vốn thì HTX phát triển được là nhờ đối nhân. Chính điều này khiến HTX rất khó tiếp cận vốn theo kiểu truyền thống (quy định có tài sản thế chấp).Vì vậy cần có hệ thống ngân hàng cho riêng HTX. Hệ thống ngân hàng có thể cho HTX, thành viên HTX vay những khoản nhỏ, trả trong thời gian ngắn. Nếu không có riêng hệ thống ngân hàng cho HTX thì mãi mãi HTX không tiếp cận được vốn. Trong khi HTX các nước như Nhật Bản, NewZeland…tiếp cận vốn thuận lợi nhờ họ có hệ thống ngân hàng cho riêng HTX”, PGS TS Nguyễn Đức Thành nói.
Thông qua nghiên cứu về dự thảo Luật HTX 2023, PGS.TS Nguyễn Đức Thành đánh giá, dự thảo Luật HTX 2023 đã tăng tính linh hoạt của khu vực HTX như việc gia nhập thị trường thuận tiện hơn, được ưu đãi chính sách rõ ràng hơn, đặc biệt chính sách thuế, cơ chế tổ chức và hoạt động chi tiết hơn…Tuy nhiên, cần phòng tránh, ngăn chặn khuynh hướng lợi dụng chính sách ưu đãi cho khu vực kinh tế tập thể HTX để trục lợi.
Bên cạnh đó, cần chú ý tới khuynh hướng phân phối theo vốn tránh làm lu mờ bản chất của HTX. Việc kiểm toán định kỳ, thực hành dân chủ trong các tổ chức thuộc khu vực kinh tế tập thể cần được tôn trọng và phát huy, tránh sự kiểm soát hoặc áp đặt từ nhà nước.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (DCRD).
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (DCRD) cho rằng, HTX (hoặc kinh tế tập thể) đã luôn tồn tại trong nền kinh tế hiện đại, với những ưu điểm của nó. Không nhất thiết đó phải là một chỉ dấu của Chủ nghĩa xã hội, mà đơn giản, đó là một loại hình ưu việt trong một số hoàn cảnh (điều kiện, lĩnh vực, quy mô, mong đợi cá nhân…). Hợp tác xã chỉ có thể vận hành hiệu quả về kinh tế – xã hội khi các xã viên đạt tới một trình độ văn hóa dân chủ cao, các quy chế về công khai – minh bạch được thực hành phổ biến và đầy đủ.
Theo Cục trưởng Lê Đức Thịnh, mục tiêu lớn khi sửa Luật HTX là phát huy trí tuệ tập thể. Vì vậy, việc duy trì và luật hóa loại hình HTX cần dựa trên đặc tính của mô hình này, như một sự phát triển tự nhiên, hữu cơ trong nền kinh tế nói chung, không nên gò ép về vai trò xã hội, không kỳ vọng quá mức, không quản lý quá mức (đánh mất sự bình đẳng).
GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, mô hình của HTX Việt Nam phải là mô hình của người nông dân. Do đó, những quy định của Luật HTX nên là những hướng dẫn người nông dân hơn là quy định cứng đóng khung.
“Bản chất của HTX hoạt động không chỉ vì giá trị kinh tế mà hướng đến an sinh, xã hội. Muốn HTX hoạt động hiệu quả, các quy định pháp luật liên quan đến HTX phải phù hợp với văn hóa và tâm lý người Việt. Người dân hiện bị quản lý bởi nhiều yếu tố như pháp luật, luật lệ, luật tục…”, GS. Trần Đức Viên chia sẻ.
GS.TS Trần Đức Viên cũng cho rằng, Luật HTX sửa đổi cần tập trung vào vốn và lao động. Ngoài ra, Luật HTX sửa đổi cũng cần thúc đẩy tính cạnh tranh giữa HTX này với HTX khác, giữa lao động này với lao động khác để tạo động lực cho người nông dân phát triển.