Đồng đô la Mỹ tăng cao đem lại hệ quả chứ không đem lại kết quả tốt cho các quốc gia. Cái giá của ổn định tỷ giá là kinh tế trong nước khó khăn, doanh nghiệp đối mặt với chi phí vốn vay cao hơn…

https://diendandoanhnghiep.vn/gia-cua-on-dinh-ty-gia-231534.html?fbclid=IwAR2Yvb5Jg0cfFUHL-OsNOycycnTi2gD-2TOcdgpWEeMxbWNKi3wIVSFWx8I

Sau sự kiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất lên 0,75%, sức ép về tăng giá đồng đô la Mỹ càng trở nên nặng nề trên thị trường Việt Nam, không chỉ trong ngân hàng mà cả ngoài thị trường tự do. Hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tìm mọi giải pháp để ổn định giá VND/USD.

Đồng đô la Mỹ tăng cao đem lại hệ quả chứ không đem lại kết quả tốt cho các quốc gia. Ảnh: Quốc Tuấn

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn CEO công ty AFA Capital, về câu chuyện tỷ giá, cần phải nhìn vào gốc rễ vấn đề để thấy rõ nguyên nhân cũng như tác động của nó, để từ đó có thể đưa ra các quyết định quan trọng về tài chính cá nhân của mình. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, với hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do như với khối EU, hay giao thương với nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, tỷ giá sẽ là một trong những vấn đề có tác động rất lớn.

“Gốc của mọi vấn đề vẫn nằm ở sự kiện chưa bao giờ xảy ra đó là Covid – 19, khi tất cả các nền kinh tế đều thấy GDP tăng trưởng chậm lại, nên đã có biện pháp nới lỏng tiền tệ. Nếu không có cuộc chiến Nga – Ukraine thì lạm phát cũng không bị đẩy đến tình trạng như hiện nay và trở thành vấn đề quan trọng, từ đó dẫn đến những thay đổi trong chính sách tiền tệ của các quốc gia.

Trong điều kiện bình thường, khi bơm tiền vào GDP tăng trưởng và lạm phát ở mức trung bình sẽ không có vấn đề gì quá lớn, nhưng khi lạm phát gia tăng thì giá của tiền cần được cao lên. Khi đó, không thể dùng tiền thoải mái đi đầu tư hay sản xuất kinh doanh mà các hoạt động phải co lại để giảm lạm phát do đó các ngân hàng trung ương bắt đầu nâng lãi suất”, ông Tuấn giải thích.

Có câu hỏi đặt ra rằng, việc Fed tăng lãi suất thì liên quan gì đến các quốc gia? Ông Tuấn lý giải, có một thuật ngữ về cân bằng lãi suất, ví dụ cụ thể như, khi tỷ giá của đồng Euro xuống nhanh, thì Ngân hàng trung ương châu Âu buộc phải tăng lãi suất để bù lại phần lãi suất của Mỹ đã tăng cao. Nếu lãi suất của một bên tăng lên mà những bên còn lại không tăng tương ứng thì tiền sẽ chảy sang nơi có lãi suất cao hơn. Vì vậy khi một quốc gia, đơn cử là Mỹ tăng lãi suất khiến các nước khác cũng phải tăng lãi suất theo.

“Ở góc độ Chính phủ, có ba mục tiêu mà một Chính phủ không bao giờ đạt được đồng thời đó là: Ổn định tỷ giá; Hội nhập tài chính; và Độc lập tiền tệ. Trong trường hợp của các quốc gia vừa qua như đồng bảng Anh, đồng Euro chắc chắn đã hội nhập về tài chính nhưng họ không thể cố định được tỷ giá nên đã phải chọn tăng lãi suất theo Fed. Chỉ riêng Nhật Bản, quốc gia này đang rất muốn có chính sách tiền tệ nới lỏng, vì vậy họ phải can thiệp vào tỷ giá để có thể độc lập tiền tệ.

Đối với Việt Nam, vai trò của NHNN đang đứng ở tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, khi nhiều ý kiến cho rằng, phòng tuyến cuối cùng là tỷ giá thì phải giữ, nhưng như vậy lãi suất sẽ không kiểm soát được”, CEO AFA Capital phân tích.

Đồng đô la Mỹ tăng cao đem lại hệ quả chứ không đem lại kết quả tốt cho các quốc gia. Nhiều học giả đã phân tích rằng, có một mối liên hệ rất rõ ràng trong việc đô la Mỹ tăng sẽ làm suy thoái kinh tế toàn cầu, được chia ra hai nhóm quốc gia bao gồm đang phát triển và đã phát triển.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế khẳng định, đến nay, các biến động trên thế giới nhìn chung rất tiêu cực và đã đến lúc không thể giữ được lãi suất và tỷ giá như trước, mà bắt buộc phải nâng lãi suất lên để đạt được các mục tiêu: kiểm soát lạm phát, quan trọng hơn là giữ ổn định tỷ giá hối đoái và ngăn sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Điển hình là NHNN Việt Nam đã tăng 1%, từ trần lãi suất huy động cũng như các loại lãi suất chính sách, tái cấp vốn, tái chiết khấu, các loại lãi suất này đồng loạt tăng, tức là tăng nhiều hơn so với Fed. Mức độ tăng này cũng thể hiện quyết tâm giữ giá trị đồng tiền Việt để kìm dòng vốn đầu tư nước ngoài bớt dịch chuyển ra khỏi Việt Nam.

“Tuy nhiên, nếu tăng lãi suất càng cao, càng nhiều, sẽ càng giữ được tỷ giá, không bị phá giá, càng giữ được dòng vốn ngoại chảy ra khỏi Việt Nam; nhưng tác dụng phụ là khu vực kinh tế trong nước ngày càng khó khăn hơn, các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí vốn vay cao hơn, nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm lại,…

Thực tế, cam kết của ngân hàng trung ương đối với vấn đề tỷ giá vô cùng quan trọng với dòng vốn ngoại. Một khi đã cam kết ổn định tỷ giá thì phải theo đuổi nó bằng được, bất kể bằng công cụ gì để giữ tín nhiệm của ngân hàng trung ương trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài. Về lâu dài, chúng ta có sự đánh đổi, chấp nhận hy sinh một phần khó khăn cho doanh nghiệp trong nước nhưng giữ được cam kết về vấn đề tỷ giá. Và khi khó khăn của kinh tế thế giới qua đi, Việt Nam có thể kéo dòng vốn ngoại trở lại tốt hơn”, PGS. TS. Phạm Thế Anh lập luận.