TTO – Lạm phát 6 tháng đầu năm 2022 theo Tổng cục Thống kê chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhiều người dân, doanh nghiệp và chuyên gia đều cho rằng con số này chưa phản ánh hết “sức nóng” của tăng giá hàng hóa, dịch vụ.

https://tuoitre.vn/gia-hang-hoa-ngoai-cho-tang-chong-mat-cpi-van-thap-theo-chuan-quoc-te-20220702075716799.htm?fbclid=IwAR0Kw5kSyiBGNd9gSVJleGa_2sCvjyKTY5Tm5l0kBltE_cwWPeE9ZmTNLFE

Giá hàng hóa ngoài chợ tăng chóng mặt, CPI vẫn thấp theo chuẩn quốc tế? - Ảnh 1.

Dù giá cả tăng nóng nhưng chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng chỉ ở mức 2,44%! – Ảnh: N.TRÍ

Trong khi đó, với giá xăng tăng dựng đứng thời gian qua, hầu hết các loại hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đều tăng mạnh.

Lương thực, thực phẩm… tăng giá mạnh

Cuối tháng 6 vừa qua, chuỗi cửa hàng đồ uống Highlands Coffee thông báo điều chỉnh tăng giá bán mỗi ly cà phê tại Hà Nội, TP.HCM thêm 18%. Và từ đầu tháng 7-2022, tất cả cửa hàng Highlands Coffee trên cả nước, bao gồm cả việc mua cà phê qua các app đặt hàng, cũng tăng giá.

Theo đơn vị này, giá đầu vào như cà phê tăng 25%, mặt bằng tăng 10 – 20%, các loại ly, bịch, ống hút tăng giá từ 10 – 20%… Và để bảo đảm chất lượng, dịch vụ chuỗi đồ uống này buộc phải tăng giá bán từng ly cà phê.

Ngày 29-6, Hãng taxi Quê Lụa, quy mô hơn 500 đầu xe tại Hà Nội, cũng buộc phải tăng giá dịch vụ vận tải từ 13.500 đồng/km lên mức 15.000 đồng/km. Anh Nguyễn Văn Tùng, một tài xế taxi Quê Lụa, cho biết từ đầu năm đến nay xăng dầu đã tăng giá cả chục lần nhưng tiền cước taxi chưa tăng.

Thời điểm giữa hè nắng nóng, bước lên xe là phải bật điều hòa, tốn nhiều xăng dầu hơn nên nếu hãng không tăng giá cước thì nhiều tài xế không trụ nổi, buộc phải bỏ nghề vì càng chạy càng lỗ.

Một loạt các hãng khác tại Hà Nội cũng tăng giá cước để bù đắp chi phí xăng dầu liên tục tăng cao. Không chỉ có taxi, chị Lan, một người nội trợ tại Hà Đông (thành phố Hà Nội), chia sẻ hơn một tháng nay giá cả nhiều loại thực phẩm như thịt lợn, rau củ quả ngoài chợ từ từ tăng giá.

Trước đây, mỗi ngày đi chợ cho cả gia đình 4 người chỉ mất 200.000 đồng nhưng nay mỗi lần đi chợ phải chi tới 300.000 đồng mới đủ vì mọi thứ đều tăng giá.

Trước đó, từ ngày 14-6, Sở Tài chính TP.HCM thông báo về việc cho tăng giá trứng bình ổn (kể từ ngày 15-6) thêm 6,78%, với trứng loại 1 lên tới 31.500 đồng/10 trứng.

Trao đổi với chúng tôi, các siêu thị trên địa bàn TP.HCM cho biết nhiều loại thực phẩm đã được điều chỉnh tăng 20 – 25% so với cuối năm trước do giá thành bị đội lên khi giá xăng dầu tăng mạnh. Thậm chí, giá các mặt hàng dầu ăn đã tăng 30 – 35% tùy loại.

Cũng tại TP.HCM, theo ghi nhận của chúng tôi, hàng loạt hệ thống dịch vụ ăn uống phải đóng cửa hoặc thu hẹp hoạt động do chi phí đầu vào tăng mạnh, trong khi hoạt động kinh doanh online bị ảnh hưởng nặng do giá ship tăng cao, nhiều người tiêu dùng từ chối đặt hàng sau khi xem giá ship. Trong khi đó, nhiều tài xế xe công nghệ cũng tắt app, bán xe để chuyển nghề với lý do giá xăng “ăn” hết lợi nhuận.

Lạm phát tăng 2,44% chưa sát thực tế

PGS.TS Phạm Thế Anh, trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô thuộc Trường đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng con số lạm phát 6 tháng tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước không phản ánh đúng giá cả thực tế.

Hơn nữa, con số tăng trưởng GDP và tăng lạm phát trong 6 tháng mâu thuẫn với nhau. GDP được tính toán theo giá hiện hành, giá cố định và có hàm ý rằng giá cả trong quý 2 giảm so với quý 1 là điều rất vô lý.

“Khi con số thống kê không đúng, không sát thực tế, không phản ánh đúng giá cả đời sống hiện tại, không có giá trị tham khảo. Con số này cũng không giúp nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết sách phù hợp, thậm chí còn làm xấu đi khả năng hoạch định chính sách của các cơ quan nhà nước”, ông Thế Anh nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, giá các mặt hàng trong nền kinh tế đang tăng rất mạnh, từ giá vận tải hành khách, giá lương thực thực phẩm, giá ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ vui chơi giải trí, giá các mặt hàng may mặc, giày dép…

“Trong khi đó, với CPI trung bình 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, giá cả dường như chưa ảnh hưởng gì tới mức sống người dân cả”, ông Thế Anh nhấn mạnh.

TS Nguyễn Quốc Việt, phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng lạm phát trong nước chưa phản ánh hết biến động giá trong nước, chưa có con số rõ nét về lạm phát trong những tháng đầu năm.

“Nhưng 6 tháng cuối năm tiềm ẩn rủi ro lớn về lạm phát. Do đó, ưu tiên cao nhất lúc này là kiểm soát lạm phát dưới 4% để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Việt nói.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thu Oanh, vụ trưởng Vụ Quản lý giá, Tổng cục Thống kê, cho rằng chỉ số CPI được tính toán đúng tiêu chuẩn quốc tế, nhưng thừa nhận rằng áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm rất lớn, bởi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, trong khi Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước.

“Điều này sẽ tác động trực tiếp tới chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước, giá thành sản phẩm, đẩy giá hàng hóa lên cao, tăng áp lực lạm phát”, bà Oanh nói và cho rằng việc giá lương thực thực phẩm (chiếm 28% quyền số trong rổ hàng hóa CPI) tăng trở lại khi dịch được kiểm soát, nhu cầu người dân tăng lên cũng gây áp lực không nhỏ với lạm phát.

Giá xăng dầu tăng gần 52%

Từ đầu năm đến nay giá xăng dầu được điều chỉnh 16 lần và trong 1 năm qua, giá xăng dầu tăng 51,83%, riêng chi tiêu xăng dầu trực tiếp đã đẩy lạm phát tăng thêm khoảng 2%. Hơn nữa, nhiều hàng hóa trong rổ tính CPI đang tăng theo giá xăng dầu, vì phụ thuộc vào xăng dầu như ngành dịch vụ vận tải, lương thực thực phẩm, thức ăn chăn nuôi…

“Chi phí xăng dầu là chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất nên nó sẽ làm tăng giá cả nhiều mặt hàng khác, vì thế khi tính toán lạm phát đừng chỉ nhìn vào chi tiêu trực tiếp cho xăng dầu tăng mà cần tính tới độ lan tỏa của tăng giá xăng dầu đối với tăng giá nhiều mặt hàng khác, thực tế này cùng giá nguyên vật liệu đầu vào đang tăng đẩy giá tiêu dùng tăng cao”, ông Thế Anh nói.