‘Giá xăng được điều chỉnh từ ngày 01/04 chỉ giảm hơn 1.000 đồng một phần là do trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu”, Tiến sĩ Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng từ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) nói với BBC News Tiếng Việt.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-60971236?fbclid=IwAR2ouGI2cUyeOKwkzDjB4HKiYP2j53Vt75SljE6A4Rtl_0gb37_wlwr-EiA

Trích lập ‘hợp lý’?

Việt Nam đưa ra lý do là “giá xăng dầu thế giới, nhất là giá các loại dầu có mức tăng cao nên liên Bộ Công thương-Tài chính đã phải sử dụng kết hợp công cụ Quỹ BOG [Bình ổn giá] xăng dầu ở mức hợp lý để giảm giá xăng và hạn chế mức tăng của giá dầu so với mức tăng của giá thế giới.”

Cụ thể, theo Tuổi Trẻ, để có mức giá như trên, cơ quan quản lý đã thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá đối với xăng A92 ở mức 250 đồng/lít và xăng A95 ở mức 200 đồng/lít, dầu diesel ở mức 100 đồng/lít, dầu hỏa và dầu mazut không trích lập.

“Nếu thuế bảo vệ môi trường như mức cũ, giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành này sẽ tăng từ 1.069 – 2.789 đồng/lít/kg, theo Bộ Công Thương.

Theo Thông tư số 103/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính Việt Nam hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu có hiệu lực từ đầu năm 2022, thì “Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.”

Đối với việc chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo Bộ Tài chính, đó là thời điểm giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành, đồng thời, việc tăng giá bán có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, đời sống người tiêu dùng trong nước.

Thực tế với thông tin công bố như thế này thì không phải người tiêu dùng Việt Nam nào cũng hiểu rõ quỹ bình ổn giá xăng dầu đang vận hành theo nguyên tắc nào, cụ thể là giá xăng dầu tăng hay giảm bao nhiêu thì sẽ được hỗ trợ hay trích lập.

‘Dự báo không tốt’

Bình luận về lý do tại sao giá xăng lại chỉ giảm hơn 1.000 đồng/lít từ ngày 01/04, Tiến sĩ Phạm Thế Anh cho BBC News Tiếng Việt quan điểm của ông.

Giá xăng dầu vẫn là gánh nặng lớn đối với người dân và doanh nghiệp Việt Nam
Giá xăng dầu vẫn là gánh nặng lớn đối với người dân và doanh nghiệp Việt Nam

Theo ông, nguyên nhân một phần là do ‘dự báo giá dầu không tốt’ nên cơ quan chức năng đã trích lập thay vì chi từ quỹ bình ổn giá xăng dầu.

“Giá xăng cuối cùng vẫn rất cao. Giá bán xăng dầu đã không giảm tương ứng ít nhất như giảm thuế bảo vệ môi trường. Lý do là cơ quan chức năng đã trích lập quỹ bình ổn.”

“Nếu thấy giá có thể sẽ tăng trong tương lai, trong tuần tới, tháng tới, tăng mạnh chẳng hạn thì mới trích lập để trong tương lai mình dùng quỹ đó bù vào giá xăng, để kiềm giá xăng trong nước không tăng quá cao, tạo gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Ngược lại, nếu thấy giá đang giảm nhiều thì không nên trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu. Chỉ nên trích lập khi nào giá đang thấp và sẽ có xu hướng tăng lên trong tương lai.”

Tiến sĩ Thế Anh cho rằng để sử dụng tốt quỹ bình ổn thì Việt Nam lẽ ra đã phải dự báo giá dầu thế giới tốt.

“Để sử dụng quỹ bình ổn giá xăng hiệu quả thì lẽ ra phải dự báo phân tích được tình hình giá dầu thế giới. Thực tế thì 10 ngày đầu tháng 3 thì giá xăng dầu thế giới rất cao. 10 ngày cuối tháng 3 thì giá xăng thấp hơn. Xu hướng 10 ngày qua thì giá tất cả loại xăng dầu, dầu thô đang giảm dần.”

“Việt Nam đã dự báo kém về diễn biến giá dầu thế giới. Nếu biết trong tương lai giá dầu thế giới giảm mà trên thực tế 10 ngày qua giá đã giảm, và trong thời gian sắp tới khi trên thế giới các nước lớn trong đó có Mỹ xả kho dự trữ dầu thì lẽ ra Việt Nam đã phải dự đoán được là giá xăng sẽ giảm trong những tháng tới. Do đó lẽ ra Việt Nam không nên trích lập mà thay vào đó phải chi quỹ bình ổn.”

Một quầy giò chả

Một quầy giò chả

“Giá dầu thế giới đang có xu hướng giảm chục ngày nay, hiện xuống quanh 100 USD/thùng, mà giá xăng trong nước (chưa tính giảm thuế môi trường 2.000 đồng/lít) lại lập đỉnh mới, còn cao hơn cả giai đoạn đầu tháng 3 khi giá thế giới ở quanh mốc 130 USD/thùng”, Tiến sĩ Thế Anh kết luận.

Giá cả mọi mặt đều tăng

Ngày 23/03, Quốc hội Việt Nam đã thông qua giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít, đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít từ ngày 01/04.

Trái với kỳ vọng của nhiều người, giá xăng chỉ giảm hơn 1.000 đồng/lít, cụ thể xăng A92 giảm 1.021 đồng/lít, xăng A95 giảm 1.039 đồng/lít.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong ba tháng đầu năm 2022 đã tăng 1,92% so với cùng kỳ năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,81%.

“Xăng dầu hiện là gánh nặng của người dân và doanh nghiệp. Theo tôi có thể bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt, hoặc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT)”, Tiến sĩ Phạm Thế Anh nói với BBC.

Ông cũng cho rằng việc giảm thuế môi trường 50% hiện nay là phù hợp và về lâu dài, Việt Nam nên cân nhắc bỏ luôn thuế tiêu thụ đặc biệt.

“Thuế tiêu thụ đặc biệt lẽ ra phải nên được bỏ trước việc giảm thuế bảo vệ môi trường. Về lâu dài theo tôi là Việt Nam nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu.”

“Hàng hóa xa xỉ như ô tô, tàu thủy, hay hàng hóa không được khuyến khích tiêu dùng như rượu bia, thuốc lá. Xăng dầu không phải là hàng hóa xa xỉ. Tôi không hiểu tại sao họ lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.”

Chuyên gia này nhyận định việc xăng lại bị đánh cả hai loại thuế là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường là “không hợp lý”.

“Xăng dầu đã có loại thuế môi trường, lại đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là không hợp lý nhất là trong bối cảnh chi phí sản xuất đầu vào tăng rất nhanh, Việt Nam lại đang kích thích tiêu dùng sản xuất.”