Sau khi gia tăng liên tục trong gần một năm qua, lạm phát đã và đang trở thành mối lo hàng đầu, đe dọa sự hồi phục của các nền kinh tế trên thế giới sau đại dịch Covid-19.
Trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới gần đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo rằng lạm phát năm 2022 có thể lên tới 5,7% ở các nền kinh tế phát triển, và 8,7% ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, cao hơn rất nhiều so với các dự báo trước đó. Sức ép lạm phát khiến đa số ngân hàng trung ương trên thế giới phải đảo chiều chính sách tiền tệ, từng bước nâng dần lãi suất và thắt chặt định lượng. Quá trình đảo ngược chính sách tiền tệ, cộng với sự gia tăng nhanh của giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào và tiền lương, đang khiến kinh tế thế giới có nguy cơ rơi trở lại suy thoái, ảnh hưởng tiêu cực tới những nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.
Xăng dầu là hàng hóa thiết yếu, không có lý do gì để áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Ảnh: N.K
Trong khi đó, theo công bố của Tổng cục Thống kê Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong nước tháng 5-2022 chỉ tăng 0,38% so với tháng trước và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm tháng đầu năm 2022, CPI cả nước chỉ tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, những con số này có lẽ là rất thiếu thực tế và không phản ánh đầy đủ sự gia tăng nhanh của chi phí tiêu dùng ở nhiều lĩnh vực trong thời gian gần đây.
Lạm phát đang tăng nhanh ở Việt Nam có nhiều nguyên nhân. Trước tiên phải kể đến đó là sự hồi phục của cầu tiêu dùng trong thời kỳ hậu Covid, đặc biệt là trong những lĩnh vực dịch vụ trước đó chịu sự phong tỏa ngặt nghèo. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, xuất khẩu hàng hóa, hay đầu tư công những tháng gần đây đều tăng ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 5 ước đạt 7,75%, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn gây lạm phát cao hiện nay đến từ sự gia tăng của giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào kéo dài suốt khoảng một năm qua và thực sự trở thành cú sốc kể từ khi cuộc chiến Nga – Ukraine xảy ra. Giá xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi, các kim loại cơ bản,… đang ở mức đỉnh lịch sử trong nhiều thập niên. Chi phí sản xuất tăng nhanh không chỉ làm tăng giá tiêu dùng mà còn khiến nhiều doanh nghiệp và người dân có nguy cơ thu hẹp sản xuất.
Việc chống lạm phát hiện nay không thể dựa nhiều vào chính sách tiền tệ bởi nó không thể kìm hãm được sự tăng giá các yếu tố đầu vào mà Việt Nam phải nhập khẩu từ thị trường thế giới. Trong khi đó, sức cầu của nền kinh tế, mặc dù đang hồi phục đáng kể, nhưng nhìn chung còn yếu do thu nhập của đa số người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng sau hai năm chống chọi với đại dịch. Bên cạnh kiểm soát cung tiền thận trọng, việc kiểm soát lạm phát hiện nay nên dựa nhiều hơn vào các công cụ tài khóa thông qua việc giảm thuế/phí đối với các yếu tố đầu vào quan trọng của quá trình sản xuất.
Một trong những việc mà Việt Nam có thể làm ngay đó là giảm các loại thuế đối với xăng dầu do sức lan tỏa lớn của mặt hàng này đối với giá cả đầu ra của nhiều ngành sản xuất trong nền kinh tế. Giá xăng dầu ở Việt Nam hiện nay ở mức trung bình cao, tuy nhiên thu nhập của người dân lại ở mức trung bình thấp so với thế giới. Điều này có nghĩa là sự gia tăng giá của loại hàng hóa này sẽ có tác động tiêu cực hơn do người dân phải chi trả phần lớn hơn thu nhập của họ cho xăng dầu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thuộc tốp 29 nước có nguồn tài nguyên và xuất khẩu dầu thô trên thế giới, trong khi người dân phải chi trả giá xăng dầu cao như những nước không sở hữu nguồn tài nguyên này cũng là điều không công bằng với họ.
Hơn nữa, các sắc thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), và thuế giá trị gia tăng đánh vào xăng dầu hiện nay đều có thuế suất cố định. Tức là, giá xăng dầu nhập khẩu càng cao thì số thu thuế trên mỗi lít xăng dầu sẽ càng lớn. Do vậy, giá xăng dầu trong nước cao như hiện nay không chỉ do giá nhập khẩu tăng, mà còn do số thu thuế trên mặt hàng này ngày càng lớn.
Việt Nam nên bỏ thuế TTĐB với mặt hàng xăng dầu bởi tính thiếu phù hợp của sắc thuế này. Việc không khuyến khích tiêu thụ do xăng dầu gây ô nhiễm đã được xử lý bằng thuế bảo vệ môi trường. Trong khi đó, xăng dầu là hàng hóa thiết yếu, không phải xa xỉ. Do vậy, không có lý do gì để áp thuế TTĐB, bất kể giá bán của nó cao hay thấp, và nhất là trong bối cảnh cần phải hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như hiện nay.
Bên cạnh đó, việc bổ sung các nguồn cho Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng nên được xem xét. Hiện nay, chủ yếu quỹ này vẫn hoạt động theo cơ chế “người dân trả trước, hưởng sau” bằng cách trích lập khi giá thấp và chi sử dụng khi giá cao, mà chưa có kênh nào khác để bình ổn. Trong khi đó, thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô lại đang tăng mạnh nhờ giá dầu tăng cao. Do vậy, Việt Nam cũng có thể xem xét đưa toàn bộ phần vượt thu ngân sách từ xuất khẩu dầu thô vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu mà không ảnh hưởng đến các kế hoạch ngân sách.