Năm 2022 nền kinh tế đạt mức tăng GDP 8,02%, cao nhất trong 12 năm qua. Thế nhưng, để duy trì đà tăng trưởng ấn tượng này trong năm 2023 là không dễ khi nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức do nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ rơi vào suy thoái.

https://tuoitre.vn/lam-gi-de-thuc-tang-truong-gdp-nam-2023-20221231093941734.htm?fbclid=IwAR3DSrQLvTa62ikyHcvCKbbDSD-LswJ9FIaMBsg8wzonNFMYBnitxghMwC0

Làm gì để thúc tăng trưởng GDP năm 2023? - Ảnh 1.

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU (châu Âu) tại Công ty cổ phần SXTM May Sài Gòn (Garmex Saigon JS) – Ảnh: Q.ĐỊNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Trung Hiếu, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng tăng trưởng GDP năm 2022 cao nhất trong giai đoạn 2011 – 2022 trước hết do nền kinh tế khôi phục trở lại sau đại dịch.

Quy mô kinh tế đạt trên 9,5 triệu tỉ đồng, tương đương với 409 tỉ USD. Theo đó, GDP bình quân đầu người ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.

322554870_876340686895890_7098244483944298046_n

Ông Lê Trung Hiếu

* Thưa ông, đâu là động lực để nền kinh tế có được tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng trong năm 2022?

– Tôi cho rằng kết quả tăng trưởng ấn tượng có được là nhờ chính sách đối phó với dịch COVID-19 tiếp tục có hiệu quả, các chính sách hỗ trợ sản xuất, mở cửa kịp thời là cơ sở cho các hoạt động kinh tế diễn ra bình thường, bình ổn tâm lý doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đã phát huy hiệu quả, nhiều chính sách, gói hỗ trợ được triển khai và đi vào thực tế.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 duy trì tăng trưởng ổn định, giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu, đồng thời đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước, nhất là trong bối cảnh an ninh lương thực thế giới đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngành công nghiệp có sự bứt phá mạnh ở hầu hết các ngành, sản phẩm chủ lực như: bia, thủy hải sản chế biến, linh kiện điện thoại, ô tô, xăng, dầu, sơn hóa học, thép thanh, thép góc, xe máy, bột ngọt và dép da có tốc độ tăng trưởng từ 35% cho tới giảm dần gần 9%. Tuy nhiên, các ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn bị suy giảm nghiêm trọng trong cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Hoạt động xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm ước đạt 371,85 tỉ USD, tăng 10,6% so với năm trước. Trong đó, nhiều sản phẩm xuất khẩu có giá trị trên 10 tỉ USD như: giày, dép, thủy sản, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, dệt, may…

Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5,7 triệu tỉ đồng, tăng 19,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,6%. Chúng ta thấy, kết quả tăng trưởng năm 2022 là minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, đem lại những triển vọng tích cực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

* Ông có thể nói đến những thách thức với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm tới?

– Trong năm 2023 nền kinh tế sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Đó là kinh tế thế giới sẽ có nhiều biến động, thách thức phức tạp khó lường điều này sẽ tác động đến kinh tế nước ta.

Đặc biệt nhu cầu mua sắm tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản giảm do lạm phát tăng cao. Lạm phát còn ở mức cao, áp lực lãi suất, tỉ giá tăng sẽ khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và một số nước có nguy cơ rơi vào suy thoái ngắn hạn.

Nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh suy giảm mạnh trong những tháng cuối năm 2022, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng chậm lại sẽ làm cho tăng trưởng chung giảm. Giá xăng dầu, nguyên liệu, vật tư đầu vào cũng biến động mạnh, thiếu hụt nguồn cung đầu vào.

Thị trường xuất khẩu thu hẹp dần do sức cầu tại các thị trường lớn suy yếu… Hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức gia tăng.

Thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, tiếp cận nguồn vốn. Ngoài ra lãi suất ở mức cao và tỉ giá chưa giảm nhiều sẽ ảnh hưởng trực tiếp và tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, việc làm của người dân.

Làm gì để thúc tăng trưởng GDP năm 2023? - Ảnh 4.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

* Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để duy trì đà tăng trưởng cao trong năm 2023?

– Để duy trì đà tăng trưởng cao trong năm 2023, tôi cho rằng cần thực hiện các giải pháp sau: ở góc độ sản xuất, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cần tiếp tục đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên, cần tái cơ cấu theo hướng chuyển từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, cần duy trì kết quả tăng trưởng ngành này khoảng 3%/năm.

Với ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đặc biệt là sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu như may mặc, da giày, điện tử, đồ gỗ, dự báo sẽ có suy giảm do cầu tiêu dùng thế giới giảm, đặc biệt trong quý 1 và có thể lan sang quý 2. Vì thế, các doanh nghiệp cần chuyển hướng sang khai thác hiệu quả thị trường nội địa 100 triệu dân còn nhiều tiềm năng để bù đắp.

Đối với ngành xây dựng, cần tập trung thực hiện những dự án hạ tầng lớn trong năm 2023 như khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, vào ngày 1-1-2023 tới.

Các ngành dịch vụ cũng sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng trong năm 2023, đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây. Khách du lịch trong nước và quốc tế tiếp tục dự báo tăng cao, khi đó những ngành chưa hoàn toàn phục hồi hoặc phục hồi chậm so với trước đại dịch sẽ tăng trưởng cao như dịch vụ lưu trú, ăn uống; vận tải; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; nghệ thuật vui chơi, giải trí.

Năm 2023 cũng là điểm rơi của đầu tư công trung hạn và thực hiện giải ngân gói đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội. Đây sẽ là nguồn vốn mồi thúc đẩy đầu tư tư nhân, thúc đẩy sản xuất, kích cầu nền kinh tế.

Bên cạnh đó, dòng vốn FDI vào VN dự báo tăng khá khi một số dự án lớn đang hoàn thành thủ tục đầu tư. Chính sách dịch chuyển dòng vốn FDI của các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan có thể điểm đến là VN. Đây sẽ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Mặc dù năm 2023 sẽ có khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa đến các đối tác thương mại lớn của VN như Mỹ, EU, nhưng VN vẫn có thể bù đắp từ các thị trường FTA thế hệ mới như RCEP.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại, nới lỏng chính sách Zero Covid là cơ hội để doanh nghiệp trong nước có thể xuất khẩu những mặt hàng tiêu dùng vào thị trường hơn 1 tỉ dân sau thời gian dài cách ly, dự báo tăng trưởng xuất khẩu năm tới từ 6 – 8% cũng như đón đầu lượng lớn khách du lịch từ Trung Quốc.

Tóm lại, dù có nhiều khó khăn nhưng với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của Chính phủ, tôi tin rằng nền kinh tế hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 như Quốc hội đề ra.

Làm gì để thúc tăng trưởng GDP năm 2023? - Ảnh 5.

Nông sản tươi, rau lá từ Đà Lạt được xuất bán đi Singapore, Malaysia với sản lượng lớn – Ảnh: M.V.

Theo ông Lê Trung Hiếu, hầu hết các tổ chức quốc tế đều nhận định kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ khó khăn hơn năm 2022, theo báo cáo cập nhật vào tháng 12-2022, một số tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023. Cụ thể, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 2,9% xuống còn 2,7%.

Fitch Ratings điều chỉnh từ mức 1,7% xuống 1,4%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ 2,8% xuống 2,2% trong năm 2023.

Đối với tăng trưởng kinh tế của VN trong năm 2023, các tổ chức quốc tế nhận định kinh tế nước ta vẫn phát triển ở mức khá, mặc dù đã có dự báo giảm so với trước đó: IMF dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của VN đạt 6,2%, WB dự báo đạt 6,7%, ADB dự báo đạt 6,3%.

Quốc hội cũng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 6,5%, thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 là 8,02%. Tuy nhiên, đây cũng là mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh khó khăn chung trên toàn thế giới cũng như tại VN.

* Ông Nguyễn Bích Lâm (nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê):

Mục tiêu tăng trưởng 6,5% là không dễ dàng

Mục tiêu tăng GDP năm 2023 được Quốc hội đề ra là 6,5%, thấp hơn hẳn con số 8,02% năm nay. Nhưng để đạt mục tiêu tăng trưởng này trong năm tới thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phải đạt mức tăng trưởng 3%; khu vực công nghiệp và xây dựng phải tăng từ 7 – 8%; khu vực dịch vụ tăng 6,5 – 7%… Đây là mức tăng rất cao trong bối cảnh nền kinh tế đã đi vào ổn định, không còn đặc thù như năm 2022 so với năm 2021.

Hơn nữa, tăng 1% GDP của năm 2023 sẽ tương đương tăng quy mô nền kinh tế thêm 104.700 tỉ đồng, cao hơn 9.700 tỉ đồng so với 1% GDP của năm 2022. Quy mô nền kinh tế tăng lên thì việc đạt được 1% tăng trưởng cũng sẽ khó hơn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái thì việc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% đã đề ra cho năm 2023 là không dễ dàng.

* PGS.TS Phạm Thế Anh (kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam – VESS):

Phải dựa vào nội lực để vươn lên

Hiện nay, kinh tế thế giới đang có nguy cơ tăng trưởng chậm, thậm chí có nguy cơ rơi vào suy thoái nhẹ. Do đó, VN muốn duy trì tăng trưởng cao như năm 2022 thì không thể chủ yếu dựa vào động lực từ bên ngoài là xuất khẩu như hai năm vừa qua, thay vào đó cần phải dựa vào nội lực của nền kinh tế.

Theo tôi, về chính sách tài khóa, cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hạ chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, cần có các chính sách hỗ trợ chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất, đơn cử là hỗ trợ về chi phí xăng dầu.

Còn về chi tiêu công, cần đẩy nhanh giải ngân các dự án đầu tư trọng điểm. Có điều tôi cho rằng cần lưu ý là phải giải ngân những dự án cần thiết, đừng vì chạy theo thành tích mà giải ngân những dự án “lung tung” như đào đường, lấp đường, dự án vỉa hè… vừa lãng phí nguồn lực, vừa không tạo ra động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Do đó, về giải ngân đầu tư công phải cẩn trọng, nhanh nhưng đúng đối tượng. Bên cạnh đó, phải giải quyết nhanh khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp bởi thị trường tài chính năm 2022 và hiện nay đang có “khủng hoảng niềm tin” rất nghiêm trọng, gây tắc nghẽn dòng vốn cho nền kinh tế.

Kể cả thị trường tiền tệ cũng như thị trường vốn phải được khơi thông trở lại để tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, giúp dòng vốn luân chuyển, doanh nghiệp tiếp cận được vốn.

Đối với các chính sách về thuế phí phải do Quốc hội quyết, tuy nhiên theo tôi các chính sách liên quan đến thuế bảo vệ môi trường thì phải giữ nguyên như hiện nay, tạm thời chưa tăng trở lại trong giai đoạn này.

Hai năm vừa qua, thặng dư ngân sách nhiều, do đó cần sử dụng nguồn lực đó để hỗ trợ lại nền kinh tế và hỗ trợ tốt nhất, trực tiếp nhất là giá xăng dầu, đồng thời cần có chính sách hỗ trợ giảm thuế VAT như hiện nay.

Ngoài ra, theo tôi cần có sự chuẩn bị cho các kịch bản xấu của nền kinh tế liên quan đến chính sách cho người lao động khi nhân công thất nghiệp. Ví dụ doanh nghiệp FDI làm ăn khó khăn, doanh nghiệp xuất khẩu đói đơn hàng, thất nghiệp tăng thì nguồn lực tài khóa phải sẵn sàng để giải ngân hỗ trợ cho người lao động thất nghiệp, tức là gói an sinh xã hội phải khả thi, giải ngân thật nhanh.

* TS Phạm Thị Thanh Xuân (viện phó Viện nghiên cứu Công nghệ ngân hàng):

Cần các chính sách hỗ trợ ngành sản xuất

Do độ mở nền kinh tế lớn, kéo theo hệ lụy là chúng ta nhập khẩu phần lớn các cú sốc bất lợi từ nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, sản phẩm xuất khẩu vẫn chủ lực dựa vào sản phẩm tiêu dùng cuối, thiếu vắng sản phẩm phục vụ sản xuất.

Ngược lại, sản phẩm nhập khẩu vẫn chủ yếu là nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất. Điểm vênh này càng làm khuếch đại các ảnh hưởng tiêu cực từ các biến động trên thế giới.

Vì vậy, để nền kinh tế phát triển bền vững, đầu tiên là phải tạo chính sách, điều kiện hỗ trợ phát triển vào các ngành sản xuất sản phẩm phục vụ cho sản xuất. Đơn cử là sản xuất sản phẩm nhựa phục vụ hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, sản xuất phân bón hoặc các thiết bị nhựa phục vụ cho nuôi trồng thủy hải sản, các ngành công nghiệp chủ lực…

Ngoài ra, chúng ta có lợi thế và nội lực nhưng cần điều chỉnh để kiến tạo động lực mới từ chính nội lực sẵn có. Cụ thể, lợi thế từ chi phí lao động giá rẻ chủ yếu phát huy cho sản xuất ở khu vực FDI.

Lợi thế này giảm dần trong khi áp lực đảm bảo an sinh xã hội và đảm bảo hạ tầng ngày càng tăng. Khu vực doanh nghiệp sản xuất trong nước chưa thực sự hưởng lợi từ lợi thế này. Nên tôi cho rằng cần tạo chính sách điều kiện để dịch chuyển dần lợi thế này sang doanh nghiệp sản xuất trong nước, tại địa phương.

Đối với khu vực đầu tư công, cần sử dụng đầu tư công như một công cụ tích cực để tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và điều tiết nguồn lực. Theo đó, cần tập trung đầu tư công vào phát triển nguồn cung nguyên vật liệu cho các nhóm ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực và phát triển kinh tế đêm. Riêng với chính sách chung, cần kéo dài tới hết năm 2023 các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong thời gian qua.

Còn với một địa phương cụ thể như TP.HCM, năng động là lợi thế tuyệt đối của TP so với cả nước và thế giới. Tuy nhiên, sự năng động đang kìm lại trong hành lang quy định tương đối hẹp.

Hơn nữa, vẫn còn các nguồn lực tại TP đang xói mòn do thiếu cơ chế đủ rộng để khai thác. Do đó, tôi nghĩ TP cần nới rộng hơn nữa hành lang quy định để giải phóng nguồn lực và sự năng động của TP, điều này cũng góp một phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

NGỌC HIỂN ghi