Kết quả POBI 2021 cho thấy gần như không có sự cải thiện đáng kể về điểm bình quân so với năm 2020. Dù mặt tích cực là tỷ lệ các tỉnh công bố “đầy đủ” thông tin tăng lên so với các năm trước đây nhưng vẫn chỉ đạt xấp xỉ 50%…
Theo công bố, kết quả khảo sát POBI 2021 cho thấy, mức độ công khai ngân sách của các tỉnh trong năm vừa qua có sự cải thiện không đáng kể so với năm 2020. Bởi điểm xếp hạng trung bình về công khai ngân sách của các tỉnh năm 2021 đạt 69,53/100 điểm, chỉ tăng 0,44 điểm so với năm trước đó.
Năm 2021, có chưa tới một nửa số tỉnh (31) công khai đầy đủ tài liệu và thông tin về ngân sách nhà nước (NSNN), tăng 4 tỉnh so với năm 2020. Đồng thời, số tỉnh công khai tương đối đầy đủ là 24 tỉnh. Số tỉnh công khai chưa đầy đủ và công khai ít lần lượt là 6 và 2.
Về kết quả trên, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VESS nhận định, qua kết quả của năm 2021, có thể thấy việc tuân thủ công khai ngân sách tỉnh nhìn chung tiếp tục được cải thiện. Cụ thể là đã có thêm 4 tỉnh đạt mức độ công khai “đầy đủ” so với số thống kê của năm trước (27).
Theo ông Thành, đây là một bước tiến đáng khích lệ từ khi POBI ra đời. Vị chuyên gia cho rằng những tỉnh nào đã thực hành công khai ngân sách tốt thường tiếp tục thực hành điều này một cách tích cực (như là Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long hay Đà Nẵng…).
Trong khi đó, những tỉnh còn thiếu ý thức tuân thủ Luật NSNN năm 2015 như Hà Tĩnh và Bình Phước thì liên tục nằm lại trong nhóm thấp nhất).
PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VESS phát biểu khai mạc buổi công bố. Ảnh: Tuấn Việt
Theo thứ hạng, năm 2021, Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng khảo sát POBI với điểm số đạt 98,59. Khánh Hòa xếp thứ hai với 92,69 điểm. Một tỉnh nhóm “nghèo” thuộc khu vực Trung du và miền núi phía Bắc là Lai Châu gây chú ý khi xếp thứ ba với 91,99 điểm.
Trong khi đó, Bình Phước và Hà Tĩnh là hai tỉnh đứng cuối của bảng xếp hạng với số điểm số lần lượt là 5,15 và 9,14.
Bên cạnh đó, ba địa phương là Quảng Bình, Khánh Hòa, Quảng Ninh thuộc nhóm có sự tiến bộ vượt bậc trong kết quả xếp hạng POBI 2021 so với năm 2020.
Cụ thể, Quảng Bình đã tăng 45 bậc, Khánh Hòa tăng 42 bậc và Quảng Ninh tăng 39 bậc trên bảng xếp hạng POBI 2021.
Chiều ngược lại, Ninh Bình, Tây Ninh và Lâm Đồng lại là ba tỉnh có sự sụt giảm đáng kể về thứ bậc trên bảng xếp hạng. Trong đó, Ninh Bình giảm 38 bậc, Tây Ninh giảm 35 bậc và Lâm Đồng giảm 23 bậc so với năm 2020.
Việc lập dự toán ngân sách của các tỉnh còn chưa đảm bảo tính tin cậy
Theo nhóm nghiên cứu, dù đã có sự cải thiện về tính kịp thời trong việc công khai các tài liệu so với khảo sát năm 2020, nhưng bên cạnh đó vẫn có một số tài liệu mà số lượng tỉnh công bố đúng hạn bị suy giảm.
Đơn cử, dự thảo dự toán ngân sách năm 2022 trình HĐND tỉnh là tài liệu mà tính đúng hạn giảm tới 8 tỉnh so với kết quả năm 2020. Trong khi đó, đây là tài liệu rất quan trọng, chiếm trọng số tương đối cao trong kết quả tính điểm và xếp hạng POBI.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã nhấn mạnh khuyến nghị các tỉnh chưa làm tốt cần thực hiện đúng và đầy đủ việc công khai kịp thời các thông tin ngân sách, tránh tình trạng đi thụt lùi đối với một số tài liệu như kết quả khảo sát trong POBI 2021.
Đáng chú ý, kết quả khảo sát POBI 2021 cho thấy, việc lập dự toán ngân sách của các tỉnh năm 2020 chưa đảm bảo tin cậy cho quá trình thực hiện thực tế, đặc biệt là đối với dự toán thu ngân sách. Theo đó, chỉ có duy nhất 01 tỉnh có mức chênh lệch giữa số dự toán và số quyết toán dưới 5%; trong khi có tới 53 tỉnh/thành khác có mức chêch lệch trên 15% (tăng 18 tỉnh/thành so với POBI 2020).
Do đó, nhóm nghiên cứu khuyến nghị các tỉnh về việc lên kế hoạch lập dự toán cần được tính toán và xem xét kỹ lưỡng, để đảm bảo mức chênh lệch giữa số dự toán và số quyết toán không nhiều hơn quá 5%.
Như trên, một trong 3 “trụ cột” của POBI được nhóm nghiên cứu xây dựng là tính “minh bạch ngân sách” cho thấy mức độ công khai ngân sách của các tỉnh có sự cải thiện không đáng kể so với năm 2020 khi điểm số chỉ tăng có 0,44 điểm.
Đối với “trụ cột” thứ 2 về “mức độ tham gia của người dân”, báo cáo cũng cho thấy một kết quả kém tích cực khi các tỉnh vẫn ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quy trình ngân sách. Theo đó, số điểm quy đổi trung bình của 63 tỉnh/thành chỉ là 41,8/100 điểm, tăng 2,55 điểm so với năm 2020.
“Có thể thấy sự cải thiện về điểm số của trụ cột sự tham gia của người dân trong thời gian qua là rất hạn chế”, TS. Vũ Sỹ Cường, thành viên nhóm nghiên cứu nêu quan điểm.
Ngoài ra, ở “trụ cột” thứ 3 liên quan đến giám sát và trách nhiệm giải trình – POBI 2021 là năm đầu tiên nhóm nghiên cứu tiến hành tách và chấm điểm trụ cột liên quan đến trách nhiệm giám sát và giải trình của HĐND các tỉnh/thành.
Kết quả cho thấy, điểm số trung bình của trụ cột này là 48,2 điểm (ở mức trung bình). Vì vậy, khuyến nghị đưa ra với các địa phương là cần cải thiện rất nhiều trong thời gian tới về trách nhiệm giám sát và giải trình của HĐND…
POBI là khảo sát thường niên được thực hiện liên tục từ năm 2017. Ở năm 2021, POBI được xây dựng bao gồm 3 trụ cột: minh bạch ngân sách; sự tham gia của người dân trong chu trình ngân sách và trách nhiệm giải trình.
Trong đó, trụ cột đầu tiên, về minh bạch ngân sách (tính là chỉ số công khai ngân sách POBI 2021) được xây dựng thông qua việc đánh giá tính sẵn có, kịp thời, thuận tiện, đầy đủ, tin cậy và liên tục của 11 loại tài liệu ngân sách. Trụ cột thứ hai, về sự tham gia của người dân, gồm có 6 câu hỏi tính điểm, được xây dựng thông qua khảo sát mức độ UBND tỉnh và Sở Tài chính các tỉnh tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quy trình ngân sách tại tỉnh và trách nhiệm phản hồi của các cơ quan này đối với các câu hỏi của công dân liên quan tới NSNN. Trụ cột thứ ba, về trách nhiệm giải trình, đây là trụ cột mới bao gồm 8 câu hỏi tính điểm cho biết thực tế công khai về giám sát và trách nhiệm giải trình của HĐND và UBND với hoạt động quản lý tài chính công. |