Giá bán lẻ xăng dầu nên để thị trường tự quyết định, Nhà nước chỉ giám sát chất lượng, theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS).
Trong báo cáo nghiên cứu “Những đặc điểm cần lưu ý của thị trường xăng dầu và ảnh hưởng tới phúc lợi hộ gia đình” được VESS công bố hôm nay, cho thấy cách tính giá cơ sở có nhiều điểm yếu khiến xăng dầu không phản ánh đúng thực tế và không theo kịp thay đổi của thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VESS nhận xét trên 80% thị phần xăng dầu thuộc về các doanh nghiệp lớn, cho thấy tính độc quyền trên thị trường này rất cao.
“Việc kiểm soát và điều hành giá xăng dầu nhằm giúp Chính phủ đảm bảo an ninh năng lượng, nhưng dẫn tới tình trạng doanh nghiệp bán lẻ bị lỗ, đóng cửa, rút khỏi thị trường do lợi nhuận không đủ chi phí kinh doanh”, ông nói.
Cách tính giá xăng dầu chưa phù hợp thị trường cũng từng được Ủy ban Kinh tế nêu hồi tháng 5, khi thẩm tra báo cáo bổ sung kinh tế xã hội 2022, những tháng đầu năm 2023 của Chính phủ. Theo cơ quan này, cách tính giá bán lẻ xăng dầu chưa phù hợp với biến động thị trường, không có tính cạnh tranh và chưa đủ bù đắp chi phí kinh doanh cho các doanh nghiệp bán lẻ.
Để tăng tính cạnh tranh, ông Nguyễn Đức Thành cho rằng nên để thị trường quyết định giá xăng dầu, Nhà nước chỉ giám sát chất lượng mặt hàng này, hoặc hình thành sàn giao dịch cung cấp xăng dầu để giải quyết vấn đề về giá.
“Giá cơ sở xăng dầu cần được tính đúng, đủ, đảm bảo cân bằng hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp”, Giám đốc VESS nêu.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) đồng tình và cho rằng giá bán lẻ xăng dầu nên để thị trường quyết định. Theo ông, đây là mặt hàng bình ổn giá, theo Luật Giá. Tức là, khi thị trường biến động, ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế, Chính phủ sẽ can thiệp bằng các công cụ, biện pháp bình ổn. Còn lại, trong điều kiện bình thường, giá nên để thả theo thị trường.
Chưa kể, giá trong nước chịu ảnh hưởng chặt chẽ của thế giới, dù 70% nguồn cung đến từ hai nhà máy lọc dầu trong nước. “Bởi nguyên liệu đầu vào của hai nhà máy lọc dầu này cũng đều theo giá thế giới”, ông Bảo nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn lại nêu quan điểm ngược lại. Theo ông, xăng dầu là hàng hóa thiết yếu, kinh doanh có điều kiện nên Nhà nước kiểm soát giá, không thể để hoàn toàn theo thị trường.
Xăng dầu là một trong những mặt hàng thiết yếu đối với người tiêu dùng. Do đó, việc đánh các loại thuế đối với mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và chi tiêu của hộ gia đình. Hiện mỗi lít xăng, dầu bán ra đang phải chịu các loại thuế, như giá trị gia tăng (10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (8%-10%) và bảo vệ môi trường (2.000 đồng một lít với xăng, 1.000 đồng với dầu, riêng dầu hỏa 600 đồng một lít).
Tuy nhiên, nghiên cứu của VESS chỉ ra điểm khác biệt trong cách áp thuế xăng dầu của Việt Nam so với một số nước trong khu vực, thế giới. Đó là, cách tính thuế theo tỷ lệ (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT) có thể khiến nguồn thu ngân sách bị động khi giá thế giới giảm đột ngột hoặc tăng mạnh.
Cùng đó, cách tính thuế bình quân gia quyền đang gián tiếp làm giảm tính đa dạng thị trường nhập khẩu, do doanh nghiệp có xu hướng tập trung mua từ các nước đã ký Hiệp định FTA như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia. Việc này nhằm hưởng thuế thấp hơn thuế nhập khẩu bình quân.
“Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đa phần sử dụng các khoản thuế tương đối để áp lên xăng dầu. Và cũng là quốc gia hiếm hoi áp trực tiếp đồng thời hai khoản thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường lên mặt hàng này”, ông Thành đánh giá.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu bán lẻ của Việt Nam ở mức tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng so với thu nhập bình quân đầu người thì mức này cao hơn một số nước phát triển hoặc có cùng điều kiện, như Indonesia, Malaysia, Nga, Mỹ.
Vì thế, VESS cho rằng chỉ nên áp một trong hai loại thế tiêu thụ đặc biệt hoặc bảo vệ môi trường trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu. Chẳng hạn, áp thuế 2.000 đồng một lít, điều chỉnh theo tình huống cụ thể và đưa ra mức trần (3.000 đồng một lít) nếu áp thuế tương đối.
“Chính phủ cần tạo lập một thị trường cho phép giá xăng dầu ở mức vừa phải so với thu nhập của người dân, đặc biệt hộ nghèo để tác động tích cực đến phúc lợi các hộ gia đình”, Giám đốc VESS chốt lại.