Hạn mức tại nhiều ngân hàng đã “đụng” trần nên từ cuối tháng 5 đến nay, dòng vốn không đẩy thêm được ra ngoài thị trường dù thanh khoản dồi dào.

https://nld.com.vn/kinh-te/ngan-hang-thua-tien-khach-kho-vay-20220607214421423.htm

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm nay so với cuối năm ngoái đạt 8,03%, tăng tới 16,9% so với cùng kỳ. Con số tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm của TP HCM là 8,4%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước, phản ánh nhu cầu vay vốn rất lớn trong bối cảnh phục hồi kinh tế.

Đang vay thì bị… tắc

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch cho biết đang có nhu cầu vay để bổ sung vốn lưu động trong giai đoạn phục hồi thị trường nội địa và quốc tế. Đặc biệt, với chương trình hỗ trợ 2% lãi suất cho vay từ gói ngân sách 40.000 tỉ đồng, nếu được giải ngân vay mới với lãi vay thấp sẽ hỗ trợ rất nhiều cho DN về chi phí tài chính.

Tương tự, bất động sản cũng là một trong những lĩnh vực cần nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng thương mại nhưng không dễ tiếp cận vốn bởi thời gian qua, dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này được nhà nước kiểm soát chặt chẽ nhằm dồn vốn cho sản xuất – kinh doanh.

Tại hội thảo “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản” do Báo Thanh Niên phối hợp Viện Kinh tế Xanh tổ chức ngày 7-6, đại diện Công ty Bất động sản Asian Holding cho hay thông thường khách mua nhà chỉ sử dụng đòn bẩy tài chính khoảng 20%-30% nhưng khi nghe siết tín dụng vào nhà đất, đa phần khách đều rất thận trọng. Sau giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thanh khoản của thị trường vốn đã chậm lại, nay thông tin siết tín dụng càng khiến thị trường khó khăn hơn.

Nhiều ngân hàng mong muốn được nới room cho vay để sớm giải ngân những khoản vay dở dang cho khách hàng Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Võ Văn Hoàng, Giám đốc đầu tư Tập đoàn Bất động sản Vạn Xuân, kể DN này đang lâm vào tình cảnh “trớ trêu” khi bị tắc một khoản vay dang dở 2.000 tỉ đồng cho dự án đang triển khai. Nguyên nhân được phía ngân hàng thương mại thông báo là do hết hạn mức tín dụng (room) và không thể giải ngân thêm.

Theo ghi nhận của phóng viên, không riêng lĩnh vực bất động sản bị hết room cho vay nhằm kiểm soát chặt dòng vốn mà tín dụng nói chung tại nhiều ngân hàng cũng sắp “đụng” trần, không thể giải ngân các khoản vay mới.

Báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất của Công ty Chứng khoán SSI cũng nhận định mức tăng trưởng tín dụng 8,03% trong 5 tháng đầu năm khiến hầu hết ngân hàng thương mại gần hết room cho vay, khó đẩy dòng vốn ra ngoài trong tuần qua. Nhiều ngân hàng hiện dư vốn nhưng không thể giải ngân để giảm áp lực về mặt thanh khoản cũng như giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động.

Đã đến lúc bỏ room?

“Nếu không được nới room tín dụng, khách hàng sẽ khó tiếp cận được vốn vay mới” – lãnh đạo một ngân hàng thương mại lo lắng. Ông cho hay chỉ trong 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã khoảng 8%, trong khi hạn mức được cấp cả năm khoảng 10%. Ông đã gửi văn bản lên NHNN xin nới room lên 20%.

“Nếu so với quy mô của các ngân hàng thương mại nhà nước thì đây là con số rất nhỏ nên không ảnh hưởng quá lớn. Nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân và DN đang rất cao trong giai đoạn phục hồi kinh tế” – lãnh đạo ngân hàng này phân tích.

Nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đang xin nới hạn mức tăng trưởng tín dụng để giải ngân thêm vốn ra thị trường. Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định khi NHNN nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại, gói cấp bù lãi suất 40.000 tỉ đồng từ ngân sách sẽ là động lực giúp tín dụng tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Để giải bài toán dư tiền nhưng khó cho vay, trong khi nhu cầu vốn của nền kinh tế hiện rất lớn, một số ý kiến cho rằng đã đến lúc NHNN xem xét bỏ cơ chế trần tín dụng. Thay vào đó, cơ quan quản lý kiểm soát bằng những công cụ thị trường khác như: tỉ lệ an toàn vốn, tỉ lệ nợ xấu…

TS Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), đặt vấn đề: Cơ chế cấp hạn mức tín dụng hằng năm cho ngân hàng thương mại là một trong những công cụ kiểm soát cung tiền của NHNN, song “việc cấp trần tín dụng cho từng ngân hàng thương mại dựa trên tiêu chí, quy tắc nào, tại sao phải có cơ chế này khi NHNN có đầy đủ các công cụ kiểm soát rủi ro khác chi tiết và hiệu lực hơn nhiều?”.

Cũng theo TS Phạm Thế Anh, hầu hết ngân hàng trung ương trên thế giới đã từ bỏ những công cụ kiểm soát trực tiếp như trần tín dụng hoặc trần lãi suất từ những năm 80-90 của thế kỷ trước. Hiện việc điều tiết gián tiếp tín dụng thông qua lãi suất thị trường được sử dụng phổ biến hơn.

THÁI PHƯƠNG – SƠN NHUNG – THY THƠ