Gồng “giỏi” hơn, bởi cùng ở mức giá gần tương đương nhưng thu nhập trung bình của người dân Việt Nam thấp hơn nhiều, gánh nặng phải chịu lớn hơn…
Trả lời về kiến nghị giảm thuế xăng dầu của cử tri Hà Nội, Bộ Tài chính khẳng định giá xăng dầu của Việt Nam đang thấp hơn so với mặt bằng chung của nhiều nước, trong đó tỷ trọng thuế, phí trong giá bán xăng dầu vẫn ở mức thấp.
Cụ thể, qua theo dõi giá xăng dầu tại một số quốc gia, Bộ Tài chính khẳng định giá xăng dầu của Việt Nam đang thấp hơn so với mặt bằng chung của nhiều nước trong khu vực. Điển hình như: Giá xăng của Trung Quốc là 26.622 đồng/lít; Lào là 30.665 đồng/lít và Campuchia là 26.184 đồng/lít.
Tại Việt Nam, giá xăng E5 RON 92 bán ra trên thị trường trong nước ngày 7/2 là 23.590 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.360 cho mỗi lít. Tuy nhiên, đến ngày 21/2, giá xăng E5 RON 92 đã tăng lên mức 25.532 đồng/lít và xăng RON 95 tăng lên mức 26.287 đồng/lít.
Dù vậy, theo Bộ Tài chính, mức này thấp hơn đáng kể so với mặt bằng giá xăng dầu chung của các nước trong khu vực cũng như mức bình quân trên thế giới (28.062 đồng/lít).
Khẳng định của Bộ Tài chính đưa ra đang vấp phải những ý kiến trái chiều từ dư luận. Vậy có hay không việc giá xăng dầu Việt Nam ở mức thấp so với thế giới, hay chỉ thấp hơn một số quốc gia và nếu so sánh với mặt bằng chung thì giá xăng dầu Việt Nam đang ở mức nào?
PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) |
“VIỆT NAM ĐANG TRONG NHÓM VỪA CÓ THU NHẬP THẤP VỪA CÓ GIÁ XĂNG CAO”
Trao đổi với BizLIVE, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho rằng, giá xăng dầu ở Việt Nam hiện thấp hơn một số quốc gia trong khu vực như Lào hay Trung Quốc, song lại cao hơn Malaysia hay Indonesia. Vì vậy, việc giá xăng ở Việt Nam thấp hơn một vài quốc gia không mang ý nghĩa gì nhiều.
Nếu muốn so sánh giá xăng dầu của Việt Nam cao hơn hay thấp hơn so với thế giới, theo TS. Phạm Thế Anh, thứ nhất, cần so sánh với các quốc gia chủ động nguồn cung như Việt Nam.
Hiện tại, giá xăng RON 95 của Việt Nam hiện là 26.200 đồng (1,15 USD/lít). Nếu cũng so với những nước lân cận khác, đặc biệt là những nước có khai thác dầu mỏ như Việt Nam, thì giá xăng ở ta lại cao hơn rất nhiều, ví dụ như ở Malaysia chỉ có 0,498 USD/lít hay Indonesia là 0,887 USD/lít.
Trên thế giới, khi so sánh với một số quốc gia mà nền kinh tế có sự điều hành từ Chính phủ như: Venezuela (0,025 USD/lít), Nga (0,677 USD/lít), Iraq (0,514 USD/lít),… thì giá xăng Việt Nam vẫn cao hơn khá nhiều.
Giá xăng Việt Nam đặt trong nhóm tương quan với thu nhập bình quân đầu người |
Thứ hai, việc so sánh giá xăng phải đặt trong tương quan với thu nhập. Cùng ở mức giá xăng tương đương nhưng thu nhập người dân Việt Nam ở mức thấp hơn hẳn như khi so sánh với các quốc gia Mỹ hay châu Âu thì giá xăng như vậy không thể coi là thấp.
Nhìn tổng thể, Việt Nam đang ở trong nhóm vừa có thu nhập thấp vừa có giá xăng cao. Do xăng dầu là hàng hóa gần như không thể thay thế, điều này có nghĩa là những nước có thu nhập thấp như Việt Nam thì người dân sẽ phải chi trả phần lớn (hơn) thu nhập của họ cho xăng dầu.
“Đây sẽ là gánh nặng hơn của người dân Việt Nam so với những nước có thu nhập cao”, TS. Phạm Thế Anh nhìn nhận.
GIẢM THUẾ PHÍ CHO XĂNG DẦU SẼ ĐẠT ĐƯỢC 2 MỤC ĐÍCH CÙNG LÚC
Với mức giá xăng dầu cao như hiện nay, TS. Phạm Thế Anh cho rằng cần giảm các loại thuế, phí để giảm bớt áp lực cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh khiến nền kinh tế suy giảm nặng nề.
Hiện, giá xăng dầu đang chịu các loại thuế nhập khẩu 10%, VAT 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế bảo vệ môi trường 3.800 đồng đến 4.000 đồng/lít. Trong đó, 3 loại thuế nhập khẩu, VAT và tiêu thụ đặc biệt được tính theo tỷ trọng %, do đó khi giá xăng lên cao thì các loại thuế này càng cao.
Năm vừa rồi, mặc dù dịch bệnh nhưng Việt Nam vẫn thặng dư ngân sách, trong đó, giá trị thặng dư phần lớn đến từ giá dầu thô tăng cao, trong khi nền kinh tế vẫn chịu sức ép của lạm phát, chi phí đẩy của doanh nghiệp tăng rất cao.
“Ngay từ năm ngoái, trước khi các gói hỗ trợ được đưa ra, tôi vài lần có ý kiến rằng, thay vì các biện pháp như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hay miễn giảm phí trước bạ ô tô, thì nên dành một phần hỗ trợ giảm thuế/phí đối với xăng dầu”, TS. Thế Anh cho biết..
Là bởi, khi giá xăng giảm có thể đạt được hai mục đích cùng lúc: Kích thích sản xuất và tiêu dùng, làm giảm sức ép lạm phát (do chi phí đẩy) kéo dài suốt gần hai năm qua.
Khi giá xăng giảm, chi phí vận chuyển giảm khiến giá các sản phẩm tiêu dùng giảm, chi phí đi lại cũng thấp hơn kích thích người dân tiêu dùng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng được bù đắp một phần khi giá nguyên liệu sản xuất tăng, do đó tốc độ tăng giá thành sản phẩm của doanh nghiệp cũng chậm lại làm giảm sức ép lạm phát, TS. Phạm Thế Anh nhìn nhận.