“Nới biên độ tỷ giá là cần thiết cho sự ổn định và phát triển kinh tế trong dài hạn”
Đăng vào 29/10/2022
Dù khẳng định nới biên độ tỷ giá USD/VND sẽ mang lại khó khăn cho một bộ phận doanh nghiệp, song các chuyên gia đều nhìn nhận, đây là quyết định cần thiết và phù hợp cho sự ổn định và phát triển của kinh tế Việt Nam trong dài hạn.
Ngay phiên đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định nới biên độ tỷ giá USD/VND từ +/-3% lên +/-5% và tăng mạnh giá mua giao ngay từ 23.925 VND lên 24.380 VND, tương đương mức tăng tới 455 VND. Đây là bước tăng mạnh chưa từng thấy của Nhà điều hành trong nhiều năm qua.
Ngay sau động thái quyết liệt của NHNN, giá USD tại các ngân hàng thương mại đồng loạt được điều chỉnh tăng rất mạnh, tiền Đồng theo đó đã mất giá quanh 7% so với cuối năm 2021.
Những khó khăn trước mắt
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), tỷ giá USD/VND tăng giảm phần lớn do yếu tố khách quan và nằm bên ngoài sự điều kiểm soát của Việt Nam. Điều này khiến cho áp lực đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp có chi phí vay vốn bằng USD… ngày càng nặng nề hơn.
Bởi, USD vẫn là đồng tiền thanh toán chính cho phần lớn (khoảng 60-70%) các hợp đồng xuất nhập khẩu của Việt Nam, nên diễn biến giá USD tăng mạnh thời gian gần đây đã gây ra nhiều biến động cho thị trường.
“Giá USD tăng cao thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ vui, nhưng ngược lại doanh nghiệp nào nhập khẩu sẽ có nguy cơ bị lỗ. Nói chung từ đầu năm đến nay, tỷ giá hối đoái biến động quá mạnh sẽ khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là các công ty nhỏ không đủ nguồn lực, công cụ để có thể dự phòng rủi ro tỷ giá”, ông Lộc quan ngại.
Còn theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), lạm phát tăng nhanh khiến người dân các quốc gia nhập khẩu thắt chặt chi tiêu, đơn hàng ngày càng ít, các nhà nhập khẩu liên tục “ép” giá.
Trong khi đó, nhiều đối thủ của Việt Nam phá giá đồng tiền mạnh hơn khiến hàng Việt mất lợi thế cạnh tranh. Đây là tình trạng chung với doanh nghiệp nhiều ngành hàng xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu.
“Kể cả với nhiều doanh nghiệp không sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tỷ giá tăng cũng khiến chi phí sản xuất đội lên đáng kể, đặc biệt là chi phí logistics, chi phí lãi vay với các doanh nghiệp vay nợ nước ngoài”, ông Thành phân tích.
Cần thiết cho sự ổn định và phát triển dài hạn
Theo TS. Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, hiện nay áp lực việc USD tăng giá là quá lớn, dù mong muốn ổn định tỷ giá nhưng do USD quá mạnh nên NHNN phải điều chỉnh.
“Trong thời gian vừa qua, NHNN phải bán ra một lượng lớn đồng USD kèm với đó thực hiện nhiều giải pháp”, ông Thịnh cho biết.
Theo chuyên gia này, khi điều chỉnh biên độ giao ngay, thì việc đầu tiên là chênh lệch giá USD ở thị trường chính thống và thị trường chợ đen sẽ giảm. Các ngân hàng thương mại có thể bán được USD giá cao, cũng có thể mua được USD giá thấp. Như vậy hoạt động đầu cơ USD được giảm đi. Các hoạt động mua bán USD từ ngân hàng để tuồn ra chợ đen để giao dịch lại sẽ được hạn chế.
“Khi NHNN điều chỉnh biên độ giao dịch, sẽ có thêm nhiều dư địa để thực hiện các giải pháp tiền tệ khác nữa nhằm ổn định kinh tế vĩ mô”, TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận.
Còn theo TS. Nguyễn Đức Thành, nhiều nền kinh tế lớn xung quanh đã để đồng tiền của mình yếu đi. Vì vậy, Việt Nam cũng phải đi theo hướng đó, nếu không sẽ mất thế cạnh tranh so với nền kinh tế khác.
“Vì vậy, nới biên độ tỷ giá là quyết định phù hợp” – ông Thành nhìn nhận.
Ngoài ra, khi điều chỉnh như vậy, những kỳ vọng hay những diễn biến khác trong nền kinh tế được giải tỏa thì doanh nghiệp sẽ có cơ hội sẽ sắp xếp lại để chuẩn bị cho phương án đầu tư trong môi trường mới ổn định hơn.
“Giữa đánh đổi ngắn hạn và dài hạn thì NHNN đã chọn con đường đúng. Điều này sẽ mở ra cho ổn định vĩ mô trong dài hạn, tạo thuận lợi cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Thành đánh giá.
Về giải pháp trước mắt cho doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc khuyến nghị, doanh nghiệp nên đa dạng hóa các đồng tiền thanh toán quốc tế, tránh việc chỉ sử dụng đồng USD. Đối với doanh nghiệp lớn kinh doanh xuất nhập khẩu lớn, cần lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, cung cấp các dịch vụ phòng ngừa rủi ro hối đoái đơn giản, thuận lợi.
“Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu phải chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để kịp thời điều chính kế hoạch kinh doanh và lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp mình”, ông Lộc khuyến nghị.