(VNF) – PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng năm 2023 sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ giúp “cắt ngọn” lãi suất. Nếu chấp nhận sự mất giá của VND trong ngắn hạn, thì lãi suất sẽ được giảm sớm, ngay từ cuối quý I này.
https://vietnamfinance.vn/pgsts-pham-the-anh-lai-suat-co-the-duoc-giam-som-hon-20180504224281195.htm
Lãi suất đang là một trong những vấn đề được giới đầu tư, kinh doanh quan tâm nhất hiện nay, đặc biệt là với nhóm bất động sản. Vì sao lãi suất vẫn neo ở mức cao và khi nào có thể giảm được lãi suất, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Thế Anh về các nội dung này:
– Xin ông phân tích các yếu tố đang tác động tới lãi suất hiện nay để làm rõ nguyên nhân vì sao lãi suất neo cao như vậy?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Lãi suất Việt Nam phụ thuộc vào một số yếu tố. Một là lạm phát, hai là động thái của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, ba là rủi ro hệ thống.
Về lạm phát, tôi cho rằng trong thời gian tới, lạm phát sẽ giảm. Lạm phát của Việt Nam nhiều khả năng đã đạt đỉnh vào tháng 1 vừa rồi. Nguyên nhân là sức mua của người dân trong nước bị suy giảm, do kinh tế khó khăn khiến thu nhập giảm sút; lãi suất cao khiến tâm lý phòng thủ lên ngôi; cầu xuất khẩu cũng kém. Bên cạnh đó, lạm phát thế giới cũng đã đạt đỉnh, tình trạng hàng hóa, nhiên liệu cũng không còn tăng vọt như năm ngoái. Tôi cho rằng từ tháng 2 trở đi, lạm phát so với cùng kì sẽ giảm dần, còn lạm phát so với tháng trước sẽ ở mức thấp.
Tất nhiên, lạm phát trong năm 2023 chịu một số tác động như: giá bán điện tăng, lương cơ bản tăng. Tuy vậy, tôi cho rằng các tác động này không ảnh hưởng quá nhiều tới lạm phát cả năm.
Về động thái của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, thời gian gần đây có vẻ họ đang rất kiên quyết với việc tăng lãi suất. Song, tôi nghĩ lạm phát tại các nền kinh tế lớn sẽ suy giảm, dù cần thời gian dài, và điều này sẽ giúp lãi suất hạ nhiệt. Với Mỹ, khả năng là Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 3 tới, với mức tăng 0,25%, vì sau đó lạm phát giảm dần, đến giữa năm nay sẽ còn khoảng 3,5%. Với kịch bản xấu hơn, Fed có thể tăng lãi suất 0,5%, nâng mặt bằng lãi suất lên 5% – 5,25%, đây là mức rất cao và khó có thể tăng thêm, vì sẽ làm tổng cầu suy thoái nghiêm trọng.
Về rủi ro hệ thống, có thể nói đây là điểm yếu cố hữu của Việt Nam và rất khó xử lý trong ngắn hạn. Doanh nghiệp chịu lãi cao thì kém về khả năng thanh toán. Việc huy động các nguồn vốn khác hiện không thuận lợi, làm cầu tín dụng tăng cao, kéo theo rủi ro tăng cao.
Như vậy, trong 3 yếu tố trên, chúng ta thấy có 2 yếu tố hỗ trợ cho đà giảm của lãi suất. Vì vậy, tôi cho rằng trong thời gian tới, lãi suất sẽ giảm đáng kể.
– Doanh nghiệp đang rất khát vốn và cũng rất sợ đòn lãi suất cao, có cách nào khiến lãi suất giảm nhanh hơn không?
Tất nhiên là có, nhưng chính sách nào thì cũng có sự đánh đổi. Ví dụ, nếu Ngân hàng Nhà nước chấp nhận sự mất giá của VND trong ngắn hạn thì có thể hạ lãi suất sớm hơn, do hiện nay lãi suất cao đang hỗ trợ cho tỷ giá. Việc hạ lãi suất sẽ được hỗ trợ nếu lạm phát của Việt Nam suy giảm và đà tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ dừng lại trong thời gian tới.
Còn nếu cơ quan điều hành cẩn trọng, không lạc quan về xu hướng giảm của lạm phát trong nước và bi quan đối với động thái của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới thì có thể hạ lãi suất chỉ khi có những tín hiệu cực kỳ rõ ràng hoặc các tín hiệu đó đã được hiện thực hóa. Việc hạ lãi suất có thể phải chờ đợi lâu hơn nữa.
Tôi thì thiên về việc nên chấp nhận mất giá VND trong ngắn hạn để giảm được lãi suất. Bởi xét ra, lãi suất cao có hại nhiều hơn cho nền kinh tế so với việc VND mất giá. Về dài hạn, nếu Việt Nam giữ được lạm phát ở mức thấp, kiểm soát tốt cung tiền (dưới hai chữ số) thì tỷ giá VND sẽ ổn định, còn ngắn hạn VND có thể mất giá 5% – 7% là điều bình thường, không có gì phải hốt hoảng.
Trong khi đó, giảm được lãi suất là doanh nghiệp giảm được chi phí, nâng được sức cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác trên thị trường quốc tế. Một điều quan trọng khác là nó sẽ giúp cho khả năng thanh toán cho nhu cầu nhà ở được tốt hơn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, giảm nguy cơ điêu đứng hoặc phá sản.
Điều này liên quan rất chặt tới sự an toàn của hệ thống, bởi doanh nghiệp bất động sản có ảnh hưởng không nhỏ tới các ngân hàng. Nếu nhóm doanh nghiệp này sụp đổ, nền kinh tế sẽ chịu tác động mạnh. Ngược lại, nếu họ thoát khỏi khủng hoảng, rủi ro hệ thống sẽ giảm. Rủi ro giảm thì lãi suất lại có thêm điều kiện giảm.
Tất nhiên, việc VND mất giá sẽ tác động tới nhập khẩu, nhưng tôi nghĩ đó cũng là sức ép để doanh nghiệp quốc nội có động lực đi tìm nguồn thay thế – đây là điều mà doanh nghiệp quốc nội làm rất chậm trong những năm qua.
– Dường như Ngân hàng Nhà nước đang thận trọng và ưu tiên nhiều hơn cho tỷ giá?
Chúng ta thấy mặt bằng lãi suất huy động rất cao nên người dân gửi tiền vào ngân hàng rất nhiều. Trong số này, nhóm “Big 4” (VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank) có thanh khoản rất tốt bởi người dân e ngại rủi ro hệ thống nên gửi tiền nhiều hơn vào những ngân hàng này. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng TMCP tư nhân không làm được như vậy.
Theo tôi quan sát thì có vẻ Ngân hàng Nhà nước đang nghiêng về mục tiêu bảo vệ tỷ giá. Khi USD chịu sức ép tăng trên thị trường quốc tế và thanh khoản hệ thống dư thừa, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các nghiệp vụ thị trường mở để hút tiền về bảo vệ tỷ giá.
Như vậy, câu chuyện vẫn như trên đã nói, giảm lãi suất nhanh hay chậm là do quan điểm điều hành, khẩu vị đối với sự đánh đổi giữa hạ lãi suất hay bảo vệ tỷ giá trong ngắn hạn của cơ quan điều hành.
– Khuyến nghị của ông đối với chính sách tiền tệ cho cả năm 2023?
Mục tiêu vẫn là kiểm soát lạm phát ở mức thấp, về lâu dài kiểm soát tăng trưởng cung tiền ở mức hợp lý – tốt nhất là dưới 2 chữ số, nhưng cũng không nên thấp quá. Còn với tăng trưởng tín dụng, tôi nghĩ cần nới lỏng hơn để các ngân hàng được thoải mái. Nếu Ngân hàng Nhà nước kiểm soát được tăng trưởng cung tiền thì tăng trưởng tín dụng không đáng ngại trong việc tác động đến lạm phát. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước có thể tập trung kiểm soát các chỉ tiêu an toàn của hệ thống ngân hàng và từng ngân hàng.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!