Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Chứng khoán, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể hạ lãi suất sớm, đổi lại VND tạm mất giá trong ngắn hạn là có thể chấp nhận được, vì lợi ích thu được từ giảm lãi suất lớn hơn nhiều.

https://kinhtechungkhoan.vn/pgsts-pham-the-anh-uu-tien-ha-lai-suat-de-kich-thich-dong-tien-quay-lai-cac-thi-truong-170943.html?fbclid=IwAR2_bziwNChcpIqeV4JTaFH0FK1GbSyPnhcNJcxeWTz7Wz2QD3zvbbAaPpg

PV: Lãi suất hiện nay vẫn đang neo ở mức rất cao, gây ra khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Ông nhìn nhận như thế nào về triển vọng của lãi suất trong thời gian tới?

PGS.TS Phạm Thế Anh: Lãi suất của Việt Nam chịu sự tác động đồng thời của nhiều yếu tố, như: diễn biến của lạm phát, động thái của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, mức độ rủi ro của hệ thống.

Trong 3 yếu tố này, hiện nay tôi thấy có 2 yếu tố đang hỗ trợ cho triển vọng hạ lãi suất trong thời gian tới. Một là lạm phát, tôi cho rằng lạm phát đã đạt đỉnh và đang bắt đầu suy giảm. Sự suy giảm của lạm phát xuất phát từ lực cầu trong nước đang yếu đi, do kinh tế khó khăn, người dân hạn chế chi tiêu và tăng cường tiết kiệm. Mặt khác, cầu xuất khẩu cũng đi xuống và giá cả hàng hóa, nhiên liệu trên thị trường quốc tế cũng không còn tình trạng tăng vọt như năm trước. Mặc dù năm nay, giá điện được điều chỉnh tăng, lương cơ bản tăng, song các yếu tố này không có lẽ không tác động quá lớn đến lạm phát.

Về động thái của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, có thể thấy ở thời điểm hiện tại, các cơ quan này vẫn đang chống lạm phát rất mạnh tay, ví dụ như Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ có đợt tăng lãi suất tiếp theo vào tháng 3 này, với mức tăng 0,25%, thậm chí 0,5%. Tuy nhiên, do lạm phát tại các nền kinh tế lớn này cũng đã suy giảm mặc dù còn chậm, vì thế, triển vọng giảm lãi suất trong thời gian tới cũng đã xuất hiện.

PGS.TS Phạm Thế Anh: 'Có thể chấp nhận VND mất giá để hạ lãi suất'
PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể hạ lãi suất sớm, đổi lại VND tạm mất giá trong ngắn hạn là có thể chấp nhận được, vì lợi ích thu được từ giảm lãi suất lớn hơn nhiều.

Ví dụ với Fed, sau đợt tăng lãi suất vào tháng 3 tới, tôi cho rằng sẽ rất khó để tổ chức này tiếp tục tăng lãi suất thêm, vì khi đó lãi suất của Mỹ đã ở quanh 5%, trong khi lạm phát của Mỹ vào giữa năm nhiều khả năng sẽ giảm xuống quanh 3,5%. Mức lãi suất như vậy là đủ cao để chống lạm phát, đồng thời hạn chế rủi ro suy thoái.

Như vậy, có thể thấy 2 yếu tố trên đang hỗ trợ cho Việt Nam giảm lãi suất. Yếu tố trở ngại cho việc hạ lãi suất chính là rủi ro hệ thống, vì hiện nay khối doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn, căng thẳng về thanh khoản, tiềm ẩn sự bùng nổ về nợ xấu. Khi rủi ro tăng cao thì các ngân hàng sẽ duy trì lãi suất cao để bù đắp.

PV: Theo phân tích của ông thì lãi suất có thể giảm đáng kể trong thời gian tới, song có lẽ cũng cần một độ trễ nhất định chứ khó lòng giảm ngay?

PGS. TS Phạm Thế Anh: Thực ra cũng có thể giảm lãi suất sớm hơn, nhưng điều đó tùy thuộc vào quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Tôi lấy ví dụ, nếu Ngân hàng Nhà nước tin vào triển vọng giảm lạm phát trong nước và giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, họ có thể giảm lãi suất ngay trong quý I này. Tất nhiên, hệ quả là VND có thể sẽ bị trượt giá thêm vài % trong ngắn hạn. Còn nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan điểm thận trọng, họ sẽ duy trì ưu tiên bảo vệ tỷ giá.

Thực tế là chúng ta thấy Ngân hàng Nhà nước vẫn đang thận trọng, một trong những biểu hiện cho điều này chính là động thái hút tiền về khi thanh khoản dồi dào, củng cố cho các nỗ lực bảo vệ tỷ giá thời gian vừa qua. Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có khả năng duy trì sự thận trọng này trong các tháng tới, cho đến khi các yếu tố hỗ trợ giảm lãi suất trở nên rõ ràng hơn.

PGS.TS Phạm Thế Anh: 'Có thể chấp nhận VND mất giá để hạ lãi suất'
Năm 2023 mục tiêu quan trọng vẫn là kiểm soát lạm phát. Ảnh minh hoạ

Tôi đánh giá tích cực về điều hành của Ngân hàng Nhà nước, song tôi cho rằng việc hạ lãi suất, đổi lại VND tạm mất giá trong ngắn hạn là có thể chấp nhận được, vì lợi ích thu được từ giảm lãi suất là lớn hơn nhiều.

Hiện nay, không chỉ có khối doanh nghiệp bất động sản, mà hầu như tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế đều vô cùng trông mong mặt bằng lãi suất đi xuống để giảm chi phí và kích thích dòng tiền quay trở lại các thị trường. Nếu ta giảm được lãi suất, doanh nghiệp sẽ dễ thở hơn nhiều, hỗ trợ cho xuất khẩu, làm tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Với khối bất động sản, việc thoát khỏi tình cảnh hiểm nghèo cũng giúp cải thiện mức độ rủi ro của hệ thống.

PV: Ông khuyến nghị thế nào về vấn đề chính sách tiền tệ trong năm 2023?

PGS. TS Phạm Thế Anh: Tôi cho rằng mục tiêu quan trọng vẫn là kiểm soát lạm phát. Và để kiểm soát lạm phát thì cần kiểm soát cung tiền ở mức độ hợp lý. Tăng trưởng cung tiền giai đoạn trước đây đều ở mức 2 chữ số, năm vừa rồi thì đã giảm xuống 1 chữ số, ở mức rất thấp. Năm nay, tăng trưởng cung tiền nên nới lỏng hơn nhưng cũng không nên vượt lên xa mức hai chữ số, tôi cho rằng nó chỉ nên ở mức tối đa 10% – 12%.

Xin cảm ơn ông!

Hải Thu