Kinh tế thế giới đang chịu khủng hoảng đa tầng bởi nhiều bất ổn, vấn đề lớn mà hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay là sức ép tỷ giá và câu chuyện lãi suất…

https://diendandoanhnghiep.vn/tang-lai-suat-giu-ty-gia-can-nhac-noi-them-tran-tin-dung-231702.html?fbclid=IwAR2elQaHbHJogbybRO-gJrhybdLAdpjEpBgZHrSARWaGKXCNpqKBbyign5k

Tăng trưởng Trung Quốc kém khả quan

Mới đây, Ngân hàng Thế giới đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc, bởi những thiệt hại từ chính sách zero-Covid và sự sụt giảm của thị trường bất động sản. Trong khi phần còn lại của các nước đang phát triển khu vực Đông Á và Thái Bình Dương lại đang sẵn sàng để phục hồi kinh tế.

Ngân hàng Thế giới đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xuống 2,8%, giảm so với ước tính hồi tháng 4 là 5% (ảnh: Shutterstock)

Theo đó, tổ chức có trụ sở tại Washington đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xuống 2,8%, giảm so với ước tính hồi tháng 4 là 5%. Ngân hàng Thế giới cũng cho biết trong bản cập nhật kinh tế tháng 10 cho khu vực rằng: “Giữa nhiều khó khăn trong và ngoài nước, tăng trưởng GDP của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại đáng kể. Các hạn chế về di chuyển để đối phó với sự bùng phát dịch bệnh đè nặng lên tăng trưởng, kết hợp với căng thẳng kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, làm trầm trọng thêm áp lực đi xuống đối với hoạt động kinh tế nước này”.

Ngược lại, Ngân hàng Thế giới đã điều chỉnh tăng kỳ vọng năm 2022 đối với các nước đang phát triển khác tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương từ 4,8% lên 5,3%, nhờ nhu cầu trong nước và xuất khẩu phục hồi, khi các nước nới lỏng hạn chế của Covid-19. Cụ thể, Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 7,2% trong năm 2022, tăng so với mức 5,3% dự báo hồi tháng 4. Malaysia đã có ước tính tăng trưởng được đẩy lên 6,4% từ mức 5,5%. Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu chậm lại trong bối cảnh lạm phát gia tăng và rủi ro suy thoái đang che phủ triển vọng khu vực trong năm 2023.

Aaditya Mattoo, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới đánh giá, các biện pháp chính sách hiện tại như trợ giá nhiên liệu và giá lương thực sẽ bù đắp khó khăn trong ngắn hạn, nhưng có thể gây thiệt hại nhiều hơn trong dài hạn. Thực tế, các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với sự đánh đổi khó khăn giữa giải quyết lạm phát và hỗ trợ phục hồi.

Đến nay, Ngân hàng Thế giới là tổ chức mới nhất điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng cho Trung Quốc, bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 20 vào tháng 10 này.

Vào tháng 8, Standard Chartered và Goldman Sachs đã hạ kỳ vọng tăng trưởng Trung Quốc xuống lần lượt là 3,3% và 3%. Vào tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMMF) đã hạ mức dự báo của mình xuống 3,3% từ 4,4% trong tháng 4, mức được nhiều người coi là ước tính chuẩn. Dường như rất ít nhà phân tích tin rằng Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng của chính phủ khoảng 5,5% trong năm nay.

Chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics, Neil Shearing đã nhấn mạnh những hạn chế ngăn cản các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc thúc đẩy tăng trưởng, chẳng hạn như động thái gần đây của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nhằm bù đắp cho sự suy yếu của Nhân dân tệ khi đồng USD tăng vọt, hay lo ngại về việc tái bùng phát bong bóng bất động sản. Ngày 28/9, đồng Nhân dân tệ đã kết thúc phiên giao dịch trong nước ở mức 7.2458 CNY/USD, mức đóng cửa yếu nhất kể từ tháng 1/2008.

Dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng rõ nét. Tổ chức Thương mại Thế giới nhận định kinh tế thế giới đang chịu khủng hoảng đa tầng: xung đột Nga-Ukraine; biến đổi khí hậu và hậu quả của đại dịch COVID-19.

Điểm sáng từ Việt Nam

Tại Việt Nam, kết quả 9 tháng năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt mức 8,83%, lạm phát bình quân được kiểm soát ở mức 2,73%, đảm bảo ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế là một thành công, được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao, với bức tranh kinh tế 9 tháng có nhiều điểm sáng.

Vấn đề lớn mà hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt là sức ép tỷ giá và câu chuyện lãi suất với nhiều quan điểm bình luận. Ảnh: Quốc Tuấn

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lý giải, 9 tháng đầu năm nay, việc điều hành linh hoạt, kịp thời giá các mặt hàng chiến lược là nền tảng trong kiểm soát lạm phát 9 tháng ở mức thấp trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng, lương thực và giá thực phẩm tăng cao. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đã năng động, linh hoạt, vượt qua khó khăn về thiếu nguyên, nhiên vật liệu, thiếu lao động, khó khăn về tài chính.

Tuy nhiên, vấn đề lớn mà hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt là sức ép tỷ giá và câu chuyện lãi suất với nhiều quan điểm bình luận. Trong khi PGS. TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế cho rằng, về câu chuyện tỷ giá, nếu tăng lãi suất càng cao sẽ càng giữ được tỷ giá, càng giữ được dòng vốn ngoại khỏi chảy ra khỏi Việt Nam. Nhưng tác dụng phụ là khu vực kinh tế trong nước sẽ khó khăn hơn, phía doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí vốn vay cao và nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm lại…

Vị chuyên gia cho rằng, cam kết của ngân hàng trung ương đối với vấn đề tỷ giá vô cùng quan trọng với dòng vốn ngoại. Một khi đã cam kết ổn định tỷ giá thì phải theo đuổi nó bằng được, bất kể bằng công cụ gì để giữ tín nhiệm của ngân hàng trung ương trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài. Về lâu dài, chúng ta có sự đánh đổi, chấp nhận hy sinh một phần khó khăn cho doanh nghiệp trong nước nhưng giữ được cam kết về vấn đề tỷ giá.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhìn nhận, thời điểm hiện tại cần một chính sách tiền tệ đủ “mạo hiểm” để vẫn hỗ trợ được tăng trưởng, ở mức độ rủi ro chấp nhận được. Điều này có thể làm được bằng cách nới trần tín dụng của năm 2022, ở mức khoảng 15-16% của cả nền kinh tế; tập trung vào một số ngân hàng có đủ năng lực, sức khoẻ tốt, và hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên. Không nên vừa siết tín dụng lại vừa tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế.

“Đến nay VND đã mất giá 3,8% so với USD và có thể mất giá thêm 1-2% từ nay tới cuối năm. Để tiếp tục giữ giá VND là rất khó và gây áp lực lớn lên chính sách tiền tệ. Dự trữ ngoại tệ cũng không phải như một kho sẵn có, lúc nào thích thì bán ra mà tiền nằm rải rác tại các hợp đồng kinh tế. Ước tính, nếu muốn duy trì tỷ giá ở thời điểm hiện tại, có thể Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục bán ra khoảng 20 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Điều này có thể ảnh hưởng tới an ninh tiền tệ. Vì vậy, ngay cả tăng lãi suất thì nên để tiền đồng mất giá thêm 1-2% từ nay tới cuối năm là phù hợp”, TS. Hiếu khuyến nghị.