Theo các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt mức 6,8-7% với điều kiện các chính sách hỗ trợ phục hồi được đẩy nhanh, nếu không tốc độ sẽ chỉ ở mức khoảng 5,5-6%.

https://thoibaonganhang.vn/tang-toc-chinh-sach-han-che-lech-pha-voi-the-gioi-129399.html?fbclid=IwAR22nG9pjAuOoKxr3cp6iGUkQQC9osIobIqb2GEcpRF5g4qwwE__iluB_2I

Cần giảm thuế nhanh, mạnh hơn

Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu vừa được thông qua, song đã được nhận định là chưa đủ mạnh và cần giảm thêm thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này. PGS. TS. Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, để chống lại sự lan tỏa của lạm phát, đây là lúc các cơ quan quản lý cần tìm mọi cách để giảm thật nhanh giá xăng dầu bằng việc cắt giảm các loại thuế, phí đi theo mặt hàng này, thay vì tranh thủ cơ hội giá dầu thế giới giảm để trích lập quỹ bình ổn giá.

Biến động giá xăng dầu trong 6 tháng đầu năm đã ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp ở một số ngành nghề, lĩnh vực có chi phí đầu vào liên quan nhiều tới giá xăng dầu. Điển hình là lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông. Giữa tháng 7 vừa qua, một số nhà thầu thi công Dự án xây dựng cao tốc Bắc – Nam đã dồn dập gửi văn bản kiến nghị tháo gỡ khó khăn lên cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Giao thông vận tải, do bão giá nguyên, nhiên vật liệu khiến các đơn vị này càng làm càng lỗ. Do biến động giá quá lớn ở tất cả các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, các nhà thầu khẳng định, đơn giá thanh toán cho khối lượng hoàn chỉnh theo hợp đồng đã ký không đủ để mua vật tư, vật liệu ở chu kỳ thi công tiếp theo.

Trong 6 tháng đầu năm chỉ số giá sản xuất tăng 5,11%

Giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm cũng chia sẻ, điều mà doanh nghiệp này mong mỏi nhất hiện nay là giá xăng dầu trong nước hạ nhiệt mạnh hơn. Vị này cũng khẳng định, dù giá cả đầu vào có giảm thì cũng không thể trông đợi doanh nghiệp giảm giá bán sản phẩm ngay lập tức. Bởi ngay từ quý I khi vòng xoáy giá cả đầu vào liên tục tăng cao, họ đã thực hiện hàng loạt biện pháp cắt giảm chi phí sản xuất, chấp nhận ghìm giữ, thậm chí hạ lợi nhuận để cầm cự.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế GTGT đối với xăng và dầu, đồng thời giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng từ 20% xuống mức phù hợp. Với quy trình hiện tại, sau khi được Thủ tướng phê duyệt và các thành viên Chính phủ chấp thuận, bộ sẽ trình Quốc hội phê duyệt tại kỳ họp gần nhất dự kiến vào tháng 10 năm nay. Như vậy, nếu làm theo đúng quy trình hiện tại thì doanh nghiệp, người dân sẽ phải chờ tối thiểu 3 tháng để giá xăng dầu có thể giảm sâu như kỳ vọng.

Trong khi theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính, khi giá xăng dầu giảm, phải mất một khoảng thời gian nhất định để doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tính toán giá đầu vào, từ đó điều chỉnh giá bán thực tế. Bởi vậy, kể cả khi giá xăng dầu giảm, giá hàng hóa cũng khó giảm ngay.

Vòng xoáy giá cả chưa dừng lại

Trong báo cáo Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB), cơ quan này đã cảnh báo về rủi ro lạm phát liên quan tới xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng lên có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước, từ đó ảnh hưởng lớn tới phục hồi của nền kinh tế.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm tăng 11,7%, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 7,9%, thấp hơn mức tăng 8,5% của cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy tổng mức bán lẻ tăng lên chủ yếu do mức giá tăng, trong khi khối lượng hàng hóa chưa chắc đã tăng cao tương ứng, do người tiêu dùng vẫn tiếp tục “thắt lưng buộc bụng” vì thu nhập chưa hoàn toàn phục hồi.

Chuyên gia của WB khuyến nghị trong lúc chờ ổn định mặt bằng giá cả, cần kết hợp thực hiện các biện pháp hỗ trợ tạm thời, cụ thể là hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu đối với các hộ có thu nhập thấp để giúp họ chống chọi với tình trạng giá cả tăng cao. Điển hình là chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân, được đánh giá là chính sách đúng và trúng mục tiêu, đối tượng.

Tuy nhiên theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến đầu tháng 7, sau ba tháng triển khai, mới có 15 địa phương giải ngân cho khoảng 13.500 lao động với kinh phí hơn 70 tỷ đồng, rất thấp so với mục tiêu 3,4 triệu lao động nhận hỗ trợ, tổng kinh phí hơn 6.600 tỷ đồng. Lý do chậm triển khai là một số địa phương sợ sai nên yêu cầu người lao động và doanh nghiệp phải làm thêm các xác nhận không cần thiết, khiến phát sinh thêm thủ tục và thời gian, chi phí thực hiện.

Xét tổng thể thì các cấu phần của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội 2022-2023 đang được triển khai rất chậm. Điển hình là đối với cấu phần đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô 113.000 tỷ đồng, được kỳ vọng tạo cú hích mạnh song đến nay vẫn chưa thể triển khai do giá nguyên vật liệu (sắt, thép, xi măng…) tăng cao ảnh hưởng tới khâu dự toán đầu tư; công tác chuẩn bị của các bộ, ngành, địa phương còn chậm… Việc chậm triển khai các cấu phần của Chương trình phục hồi có thể sẽ làm giảm hiệu quả của chính sách trong việc hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như làm gia tăng rủi ro “lệch pha” chính sách, lạm phát của Việt Nam với các nước trên thế giới.

Sự lệch pha giữa tình hình trong nước với thế giới đang thể hiện rõ nét ở chỉ số giá cả. Nếu chỉ số giá tiêu dùng mới tăng ở mức 2,44% trong 6 tháng đầu năm, thì chỉ số giá sản xuất đã tăng cao hơn nhiều, ở mức 5,11%. Cần lưu ý rằng trong giai đoạn trước đại dịch (năm 2015-2019), khi giá nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất ổn định, chỉ số này chỉ tăng trong khoảng 0,15-2,7%, thì nay tốc độ tăng vượt 5% cho thấy chi phí sản xuất của cả nền kinh tế đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ mặt bằng giá cả của thế giới.

Theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, yếu tố giá cả này mới chỉ làm tăng lạm phát ở vòng 1, trong đó chủ yếu là chi phí giao thông hay xây dựng, nhưng trong 6 tháng còn lại của năm, giá cả sẽ bắt đầu tác động vòng 2, vòng 3, tức là tác động lên lương thực thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng… Vì vậy lạm phát cuối năm chắc chắn sẽ tiếp tục biến động lớn, ảnh hưởng tới cả thu nhập của người dân và lợi nhuận của doanh nghiệp, nếu không đẩy nhanh thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Ngọc Khanh