9 tháng năm 2022 kinh tế tăng trưởng 8,83%, mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Trong bối cảnh tăng trưởng GDP khả quan, NHNN có thể sẽ tập trung hơn vào việc ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát.

https://markettimes.vn/tang-truong-gdp-kha-quan-nhnn-co-manh-tay-hon-voi-lai-suat-5009.html

Tăng trưởng GDP khả quan, NHNN có mạnh tay hơn với lãi suất?Theo báo cáo kinh tế – xã hội quý III và 9 tháng năm 2022 của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý III đạt mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, kinh tế tăng trưởng 8,83%, mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Trong khi đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.

Việc nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, cộng thêm các chỉ số giá cả vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt đã làm dấy lên quan ngại rằng lạm phát tương lai có thể cao hơn so với các năm trước. Ngân hàng Nhà nước vì thế cũng có thể hành động quyết liệt hơn trong việc điều hành lãi suất để khống chế lạm phát.

Theo ông Trần Ngọc Báu, CEO Wi Group, tăng trưởng kinh tế bứt phá vừa là hệ quả, cũng vừa là nguyên nhân của sự chi tiêu mạnh tay nên quan điểm cho rằng tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo lạm phát là có cơ sở. Tuy nhiên, đi sâu vào bối cảnh hiên tại, GDP năm 2022 tăng trưởng đột phá nhìn chung mang yếu tố số học, không phải sự bứt tốc thực sự trong hoạt động kinh tế hay bơm tiền. Các số liệu vẫn cho thấy gia tốc tăng trưởng kinh tế chưa về được mức trước dịch và tăng trưởng cung tiền đang ở khu vực thấp nhất 20 năm qua. Hầu hết các quan điểm cũng khá tiêu cực với tăng trưởng trong năm 2023.

“Với gia tốc tăng trưởng kinh tế và cung tiền hiện tại, tôi cho rằng chưa đủ cơ sở để gây áp lực tiêu cực lên lạm phát”, ông Báu nhận định.

Thay vào đó, vị chuyên gia này đánh giá việc đồng USD liên tục lên giá mới thực sự là vấn đề đáng quan ngại. Cụ thể, trong bối cảnh chỉ số sức mạnh đồng đô la Mỹ liên tục phá đỉnh sẽ tiếp tục gây sức ép lên VND, tăng lãi suất đi kèm với tăng tỷ giá chào bán vẫn là biện pháp tình thế tốt nhất mà NHNN có thể triển khai. Vì lẽ đó, lãi suất vẫn sẽ tăng tiếp và mức độ tăng phụ thuộc khá nhiều vào lãi suất của Mỹ và sức mạnh đồng USD. Tuy nhiên, đà tăng không còn quá mạnh.

“Với những diễn biến thị trường tiền tệ, tỷ giá vẫn đang căng thẳng, dự trữ ngoại hối đã chạm ngưỡng cẩn trọng và FED vẫn có lộ trình tăng lãi suất thêm khoảng 1,25-1,5 điểm từ giờ đến cuối năm thì tôi cho rằng NHNN sẽ vẫn phải tiếp tục nâng các loại lãi suất điều hành thêm ít nhất một lần nữa vào quý 4 này”, ông Báu nhận định.

PGS.TS Phạm Thế Anh, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cũng đồng quan điểm và cho biết việc nâng lãi suất của NHNN vừa qua phục vụ 2 mục tiêu, là 1) giữ giá đồng nội tệ, hạn chế việc chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài ra khỏi Việt Nam; 2) phòng ngừa lạm phát từ xa. Tuy nhiên, mục tiêu thứ nhất là ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, lạm phát của Việt Nam cũng đang ở mức tương đối vừa phải.

Chuyên gia cũng cho biết, từ giờ đến cuối năm, nếu FED tiếp tục tăng lãi suất và kiên định với mục tiêu chống lạm phát, đồng thời “bão giá” trong nước có xu hướng leo thang, việc tăng lãi suất là khó có thể tránh khỏi.

“Cá nhân tôi chủ quan rằng nếu NHNN tiếp tục tăng lãi suất thì biên độ có thể nhỏ hơn so với đợt tăng 1 điểm % vừa rồi. Con số có thể quanh mức 0,5 điểm phần trăm và không quyết liệt như trước”, ông Thế Anh nhận định.