Thảo luận về chính sách trong lĩnh vực tài khóa của Việt Nam, từ chính sách kinh tế vĩ mô cho tới những vấn đề vi mô như thuế và doanh nghiệp, hộ gia đình và công bằng thuế…
Ngày 24/11 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) đại diện Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam (VATJ) tổ chức Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam với chủ đề “Thách thức chính sách kinh tế vĩ mô hậu COVID-19”.
Sự kiện nhằm thảo luận về các vấn đề chính sách liên quan đến các chủ đề khác nhau trong lĩnh vực tài khóa của Việt Nam, từ chính sách kinh tế vĩ mô cho tới những vấn đề vi mô như thuế và doanh nghiệp, hộ gia đình và công bằng thuế…
Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam là sự kiện được tổ chức hàng năm do Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam (VATJ) chủ trì. Đây là sự kiện quy tụ các nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách, doanh nghiệp và giới truyền thông cùng thảo luận về các vấn đề chính sách liên quan đến hoạt động tài khóa.
Khai mạc diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) nhận định, năm 2022, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng sau hơn hai năm chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, sự phục hồi hậu COVID-19 trong khu vực và thế giới, nhất là tại các nước phát triển, đã diễn ra với nhiều diễn biến mới, dẫn tới một loạt sức ép về ngân sách và lựa chọn tài khóa-tiền tệ mà một nước như Việt Nam phải đối diện.
Diễn đàn Chính sách Tài khoá và Phát triển Việt Nam 2022 chủ đề “Thách thức chính sách kinh tế vĩ mô hậu COVID-19” tập trung thảo luận những vấn đề và lựa chọn chính sách trong lĩnh vực tài khóa nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hậu COVID-19.
Đồng thời, cập nhật một số thay đổi trong chính sách thuế tại Việt Nam hậu-COVID; cũng như làm rõ thêm mối quan hệ giữa thuế tiêu thụ đặc biệt và sức khỏe đối với mặt hàng thuế thuốc lá tại Việt Nam.
Theo ông Thành, những năm gần đây, ngân sách của Việt Nam đã dựa rất nhiều vào các loại thuế tiêu dùng; trong đó, có thuế VAT. Năm 2020, tỷ trọng của số thu thuế tiêu dùng trên tổng số thu thuế tại Việt Nam vào khoảng 60% (tương đương với Thái Lan và chỉ thấp hơn so với mức trung bình của các nước thu nhập trung bình cao).
Cùng giai đoạn này, tỷ trọng của VAT trong tổng thu thuế tại Việt Nam giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các chính sách ưu đãi liên quan đến thuế VAT. Từ năm 2020 tới nay, ý tưởng tăng thuế VAT không còn cơ sở, mà chuyển sang chính sách giảm thuế VAT để hỗ trợ nền kinh tế.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng, năm 2021, Quốc hội Việt Nam cùng với Chính phủ đã ban hành một số chính sách liên quan đến thuế VAT. Theo đó, Nghị quyết 406/NQUBTVQH15 quy định giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng; Nghị quyết số 43/2022/QH15 giảm 2 điểm phần trăm thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%)…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp đã gặp nhiều rắc rối liên quan đến việc tách, lập hóa đơn cũng như rà soát danh mục
hàng hóa, dịch vụ được hưởng ưu đãi. Ngày 20/6, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một loạt các Nghị định khác trong đó có Nghị định 15 để gỡ vướng cho doanh nghiệp. Theo ước tính của Bộ Tài chính, với việc giảm thuế suất thuế VAT từ 10% xuống 8% sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2022 khoảng 49.400 tỷ đồng.
Năm 2021, một thỏa thuận toàn cầu nhằm bảo đảm các công ty lớn phải trả mức thuế tối thiểu là 15% áp dụng cho các công ty có thu nhập từ 750 triệu EURO trở lên đã được 137 quốc gia (chiếm 90% nền kinh tế toàn cầu) nhất trí và dự kiến áp dụng vào năm 2023. Điều này đánh dấu một sự thay đổi lớn đối với các nền kinh tế nhỏ, vốn thường thu hút các công ty quốc tế thông qua mức thuế thấp hơn.
Ông Thành đặt vấn đề, điều gì sẽ xảy ra nếu các nước cung cấp quá nhiều ưu đãi thuế hoặc giảm mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống dưới mức thuế tối thiểu toàn cầu. Trong bối cảnh thâm hụt ngân sách ngày càng trở nên trầm trọng, Việt Nam nói riêng và các quốc gia ASEAN nói chung, có nên tiếp tục kéo dài hoặc bổ sung các ưu đãi thuế nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Các chính sách thuế trong thời gian tới cần thay đổi để cải thiện nguồn thu của Chính phủ. Trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế Việt Nam đến năm 2030 (ban hành năm 2022), Chính phủ sẽ tiến hành rà soát để sửa đổi hoặc bãi bỏ ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không còn phù hợp với yêu cầu phát triển, yêu cầu hội nhập quốc tế. Do đó, cần đẩy nhanh quá trình thực hiện chiến lược này để có thể giúp cho việc cải thiện nguồn thu của Chính phủ.
PGS.TS.Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế quốc dân; đồng Chuyên gia Kinh tế trưởng, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam cho hay, về chính sách tài khóa, mục tiêu cao nhất là đảm bảo tính bền vững của nợ công; ổn định quy mô nợ công theo khả năng thu thuế; kiểm soát nghĩa vụ nợ/thu ngân sách; cải thiện cơ cấu chi ngân sách theo hướng giảm tiêu dùng tăng chi đầu tư phát triển; thu ngân sách Nhà nước cần giảm dựa vào các nguồn thu kém bền vững, tránh phát sinh những loại phí – lệ phí mới; chính sách tài khóa nên theo hướng nghịch chu kỳ, tạo đệm tài khóa trong thời kỳ khó khăn.
Riêng về chính sách tiền tệ, ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm; tăng trưởng cung tiền phải được kiểm soát một cách phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế; chính sách tiền tệ phải được thực hiện theo quy tắc, minh bạch dễ dự đoán; tránh chuyển từ thái cực này sang thái cực khác một cách đột ngột. tăng cường các chính sách cẩn trận trọng kinh tế vĩ mô. Do đó, nên theo đuổi chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý, đồng thời, loại bỏ các can thiệp hành chính./.