Chúng ta đã chính thức bước sang những ngày đầu tiên của năm 2023 trong không khí mùa xuân tràn đầy hi vọng. Nhìn lại năm 2022, Việt Nam có một “bệ phóng” tốt khi tăng trưởng GDP thuộc diện cao nhất trên thế giới, đồng thời được đánh giá cao về kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng đang chậm lại và những khó khăn xuất hiện ngày càng nhiều kể từ nửa cuối năm 2022.
Bước sang năm 2023, những cơ hội mới sẽ xuất hiện nhưng cũng luôn ẩn chứa những rủi ro và thuận lợi cũng sẽ đi kèm thách thức. Song trước hết, tôi muốn đề cập đến những thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt, cả từ bên ngoài lẫn bên trong. Nhận diện được rủi ro, thách thức, chúng ta sẽ tự tin hơn với con đường đi lên, có cơ sở để hiện thực hóa khát vọng và mục tiêu đặt ra không chỉ dừng lại ở “mong muốn”.
Thách thức trước hết là chiến sự Nga – Ukraine có thể khiến giá năng lượng biến động thất thường, có thể tăng vọt, có thể giảm sâu, tính bất định trở nên cao hơn. Chiến sự cũng có thể ảnh hưởng đến giá một số hàng hóa cơ bản khác trong năm 2023. Có vẻ như phương Tây vẫn giữ quan điểm “cứng rắn”, sẵn sàng hỗ trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine và chiến sự khả năng sẽ kéo dài, căng thẳng chưa biết bao giờ mới kết thúc.
Chiến sự Nga – Ukraine cũng là nguyên nhân khiến kinh tế EU khó khăn, trong khi đây là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Đồng thời, đầu tư FDI của các doanh nghiệp từ EU vào Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng.
Thứ hai là tình trạng dịch Covid-19 ở Trung Quốc. Vừa rồi Trung Quốc đã bắt đầu mở cửa trong bối cảnh giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn, khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam cũng rất đông và tạo ra thách thức trong công tác kiểm soát dịch.
Trung Quốc là đối tác thương mại rất quan trọng của Việt Nam, việc quốc gia này mở cửa sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam nhưng cũng cần tính đến khả năng “quay xe” chính sách khi mà việc bùng phát dịch trở lại đang thử thách sức chống chịu của họ.
Thách thức thứ ba và cũng là điều mà người ta lo ngại nhất đó là việc kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Trong năm qua, giá nhiên liệu và thực phẩm trên thế giới tăng rất mạnh, để chống lạm phát thì các ngân hàng trung ương lớn từ Mỹ tới châu Âu đã thực hiện thắt chặt tiền tệ. Trên thực tế, nguy cơ chính trong năm 2023 không phải là lạm phát mà là suy thoái kinh tế, thất nghiệp tăng cao, và thu nhập giảm sút. Điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn, đồng thời làm giảm FDI từ các thị trường lớn này vào Việt Nam.
Đó là những thách thức chính bên ngoài, còn bên trong cũng có những vấn đề lớn cần giải quyết. Nội tại nền kinh tế đang cho thấy một số vấn đề trên thị trường vốn, thị trường trái phiếu, cổ phiếu và thậm chí là thị trường tiền tệ với những điểm nghẽn, sự đứt gãy niềm tin nhất định. Thị trường vốn chưa hoạt động lại bình thường như trước khiến doanh nghiệp bên cạnh khó khăn về tiếp cận thị trường, còn gặp khó trong vấn đề tiếp cận vốn, hoặc tiếp cận được với chi phí vốn rất cao.
Tất nhiên, bên cạnh thách thức thì chúng ta cũng có những cơ hội. Ví dụ như ngay trong vấn đề với đối tác Trung Quốc, cơ hội của Việt Nam vẫn có thể đến từ căng thẳng Mỹ – Trung kéo dài trong nhiều năm qua.
Quan hệ Mỹ – Trung chưa trở lại bình thường, các nước phương Tây có xu hướng đa dạng hóa địa bàn đầu tư, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu hàng hóa, họ có xu hướng phân tán ra nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Đó là cơ hội để doanh nghiệp Việt mở rộng thị phần, thu hút được vốn đầu tư từ Mỹ hoặc các nước Tây Âu khác, và còn có thể đón đầu sự chuyển dịch về dòng vốn từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Hay như với chính sách “zero Covid” trong năm qua của Trung Quốc khiến việc cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp Trung Quốc sang các nước khác trên thế giới bị giảm sút, theo đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp tục tận dụng để gia tăng thị phần, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện nay các nước lớn đều đánh giá Việt Nam có vị trí địa lý, kinh tế chiến lược rất quan trọng, cộng với điều kiện nhân công giá trẻ (dù chính sách tiền lương của Việt Nam trong những năm qua tăng khá nhanh nhưng vẫn rẻ so với thế giới) và lực lượng lao động trẻ dồi dào, nên Việt Nam đang có những lợi thế trong thu hút đầu tư và sự chú ý của các doanh nghiệp trên thế giới. Đây là cơ hội rất quan trọng.
Những tháng cuối năm 2022, chúng ta chứng kiến tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn do mất đơn hàng, phải cắt giảm nhân công và gây ra những xáo trộn nhất định trên thị trường lao động.
Đối với nhu cầu bên ngoài, chúng ta không thay đổi được. Ta không thể can thiệp được, hay thay đổi được gì nguy cơ suy thoái toàn cầu cũng như sự sụt giảm về nhu cầu tiêu thụ của các thị trường đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Chúng ta chỉ có thể sử dụng những chính sách, những biện pháp hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Cần nhận định rằng, suy thoái kinh tế trên thế giới có thể là tạm thời, điều doanh nghiệp cần là được Nhà nước hỗ trợ để vượt qua thời khắc ngặt nghèo.
Với tình hình hiện nay, lạm phát các nước lớn đang có xu hướng giảm, đồng thời tỉ lệ thất nghiệp có xu hướng sớm tăng lên còn tiền lương thì sụt giảm, nguy cơ suy thoái hiện hữu nên không sớm thì muộn, các nước cũng phải dừng thắt chặt tiền tệ và sử dụng các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Do vậy, sự giảm sút nhu cầu của thị trường xuất khẩu với doanh nghiệp Việt có thể là tạm thời, theo đó, các chính sách trong nước cần làm sao để hỗ trợ được doanh nghiệp chống chọi, sống sót qua được thời kỳ khó khăn để hướng đến lợi ích lâu dài hơn.
Các chính sách hiện nay cần ưu tiên thực hiện là giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trên thị trường vốn. Những doanh nghiệp nào còn duy trì hoạt động và sống sót được qua thời kỳ này thì nên tạo điều kiện hết sức, giúp họ có thể tiếp cận vốn với chi phí ở mức “chấp nhận được”, giúp họ có thể giữ chân được người lao động. Còn với những doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa dẫn đến sa thải lao động thì các chính sách an sinh xã hội cần phát huy tác dụng một cách nhanh chóng, thông qua bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp cho người lao động mất việc. Quan trọng là phải thực hiện nhanh.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công Thương cần hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới tại những nền kinh tế ít chịu ảnh hưởng hơn bởi suy thoái, bên cạnh các thị trường lớn truyền thống. Với thị trường trong nước cần phát huy hết khả năng để khai thác, muốn vậy, các chính sách kinh tế phải được điều hành một cách linh hoạt, hợp lý. Nếu điều kiện về tài khóa và tiền tệ bị thắt chặt quá mức trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào suy thoái thì khó khăn sẽ nhân lên gấp đôi; còn một khi các điều kiện này được nới lỏng hơn và hỗ trợ một cách phù hợp cho doanh nghiệp và người dân thì sẽ giảm được tác động bên ngoài.
Thẳng thắn mà nói thì chúng ta đã làm được nhiều điều trong năm 2022, như: Kinh tế trong nước vượt qua khó khăn do Covid-19, hoạt động trở lại bình thường, các hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa không bị tắc nghẽn như năm 2021. Tuy nhiên, chính sách tài khóa vẫn loay hoay với nhiều nút thắt và chưa hỗ trợ được nền kinh tế như mong muốn. Tổng thu tăng nhanh nhưng chi ngân sách khá khiêm tốn, có những gói hỗ trợ không giải ngân được, ví như gói hỗ trợ 2% lãi suất.
Những ngày đầu năm 2023, việc giải ngân đầu tư công có vẻ đã được tăng tốc và hy vọng chính sách tài khóa sẽ phát huy tác động mạnh mẽ hơn trong năm. Nhìn chung, năm qua có những chính sách muốn làm nhưng chưa làm được, hoặc mới làm được một phần, chậm trễ, chưa đạt được mục tiêu như mong muốn.
Chính sách tiền tệ mặc dù thành công trong việc kiểm soát lạm phát, bảo vệ tỷ giá nhưng rủi ro của hệ thống ngân hàng lại tăng lên. Cũng không thể không đề cập đến việc đứt gãy niềm tin trên thị trường tiền tệ và tài chính trong quý III và quý IV/2022 và cho đến nay vẫn chưa thể bình thường trở lại hoàn toàn. Lãi suất neo rất cao, lãi suất huy động 9-10%, lãi suất cho vay khoảng 13-15% thậm chí cao hơn – đó là mức giá vốn đắt đỏ mà khó một doanh nghiệp nào chịu đựng được trong thời gian dài. Nợ xấu và rủi ro hệ thống sẽ tăng nhanh nếu tình trạng lãi suất cao không được giải quyết sớm.
Tôi nghĩ rằng, những gì chưa làm được thì chúng ta nên nhìn thẳng và thừa nhận để có hướng khắc phục. Trong năm 2023, các cơ quan điều hành có lẽ cần phải tăng cường khả năng dự báo, chủ động xây dựng các kịch bản, kèm hành động ứng phó. Khi đã xây dựng được kịch bản thì sẽ có phương án thích ứng, không bị động, khi đó sẽ có được những chính sách kịp thời. Tương ứng với mỗi kịch bản sẽ có được những chính sách phù hợp, tránh trường hợp khi các sự kiện đã xảy ra rồi thì lúng túng, loay hoay, mới thiết kế chính sách. Qua đó, giảm tối đa sự chậm trễ chính sách, rút ngắn thời gian từ thảo luận chính sách cho đến ban hành chính sách, tạo được phản ứng nhanh với nền kinh tế.
Thế giới hiện nay biến động và bất định với nhiều sự kiện có thể xảy ra mà tại thời điểm hiện tại chúng ta ngồi đây chưa lường hết, tuy nhiên, nếu có những gói chính sách cho các tình huống khác nhau thì chúng ta sẽ có thể kích hoạt ngay khi tình huống xảy ra, từ đó giúp cho việc phản ứng chính sách nhanh chóng và sức lan tỏa tới nền kinh tế nhanh hơn, giảm được tác động tiêu cực từ các cú sốc.
Nhìn chung, kinh tế Việt Nam vẫn là một nền kinh tế trẻ, năng động so với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới, dư địa phát triển còn rất lớn. Dẫu rằng có rất nhiều thách thức từ việc điều hành nền kinh tế, thách thức từ môi trường bên ngoài, thách thức từ ứng xử của Việt Nam trong quan hệ với các nước lớn… nhưng không thể phủ nhận Việt Nam đang tạo nên một lợi thế lớn về vị trí địa chính trị trên thế giới, được nhiều nước lớn quan tâm.
Nội tại nền kinh tế đang có lợi thế dân số trẻ, dân số vàng, có nhân công giá rẻ, có sự năng động khi tham gia vào rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) trên thế giới, có khát vọng vươn lên. Do vậy, động lực tăng trưởng, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam đang rất lớn. Miễn là chúng ta cởi trói được những nút thắt liên quan đến môi trường kinh doanh, đến thị trường vốn, các chính sách điều hành thì có lẽ mức tăng trưởng trong dài hạn của Việt Nam khoảng 5-6%/năm là khả thi. Và khi kéo dài được mức tăng trưởng bình quân như vậy trong quãng thời gian 20 năm tới thì Việt Nam có thể vươn lên trở thành một nước thu nhập trung bình cao.
Tác giả: PGS. TS. Phạm Thế Anh nhận bằng Thạc sỹ và Tiến sỹ Kinh tế tại Đại học Manchester vào các năm 2003 và 2007, và hiện là Trưởng Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Ông có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô, tài chính và từng giữ nhiều vị trí quan trọng như Trưởng Bộ môn Kinh tế Vĩ mô, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chính sách công và Quản lý thuộc Trường Đại Học Kinh tế Quốc dân. Ông cũng từng tham gia tư vấn và nghiên cứu cho nhiều tổ chức trong và ngoài nước, là chuyên gia tư vấn cao cấp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.