Hiện nay, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phản ánh luôn trong trạng thái hoạt động bấp bênh, thua lỗ rất nặng nề và rất mong chờ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu sớm được ban hành.
Luôn hoạt động bấp bênh, thua lỗ
Mới đây, hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã có giấy ủy quyền để ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) đại diện gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình kinh doanh và kiến nghị liên quan đến nghị định về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết họ luôn trong trạng thái hoạt động bấp bênh, thua lỗ rất nặng nề từ những bất cập của Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Thông tư 104/2021/TT-BTC.
Đại diện nhóm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu này phân tích, quy định tại các chính sách không ghi rõ tỷ lệ phân chia các khoản chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức; không ghi rõ giá bán buôn tối đa, không quy định chi phí định mức, không quy định chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ… Vì vậy, chiết khấu có thời điểm rất lâu duy trì ở mức tiệm cận 0 đồng hoặc âm, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ kéo dài, phải cầm cố, bán tài sản để bù lỗ. Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu đã có một số điểm mới thuận lợi hơn nhưng đã hết quý II/2023, Nghị định sửa đổi vẫn chưa được ban hành.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, đã yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống và điều hành giá xăng dầu theo quy định. Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg.
Những khó khăn này dẫn đến một nghịch lý, ông Nguyễn Thành Trí, chủ một cơ sở bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội chia sẻ, người kinh doanh thấy đông khách thì vui, nhưng khi chiết khấu xuống quá thấp thì người bán xăng cứ thấy khách đông là sợ vì bán càng nhiều hàng càng lỗ.
“Với mức chiết khấu từ 200 đồng, 100 đồng rồi lại 0 đồng trên một lít xăng dầu, để duy trì hoạt động cơ sở chúng tôi phải dùng tiền lãi kinh doanh các ngành khác và tiền cá nhân của mình. Chờ đợi những chuyển biến tích cực hơn từ năm ngoái nhưng đến nay khó khăn vẫn chưa hết. Tôi rất mong mỏi mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường”, ông Trí cho biết.
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho rằng, tình trạng các doanh nghiệp bán lẻ bị lỗ vốn, đóng cửa, rút khỏi thị trường do lợi nhuận không đảm bảo đủ chi phí kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến hạ tầng năng lượng trong nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân và cuối cùng là an ninh năng lượng quốc gia. Bởi, ngày nay, gần như toàn bộ các phương tiện giao thông vận tải, máy móc công nghiệp đều sử dụng nhiên liệu xăng dầu. Hiện cũng đã có rất nhiều năng lượng mới được phát mình như điện, gió, hạt nhân,… nhưng chưa năng lượng nào đủ khả năng thay thế hoàn toàn cho xăng dầu.
Hướng đến cải cách toàn diện
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường – giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, vấn đề lớn nhất của thị trường xăng dầu hiện nay là sự xung đột lợi ích giữa các khâu đầu mối là phân phối – bán lẻ, đây là điều cần phải khắc phục ngay dù sửa hay không sửa Nghị định. Thay vì bàn về chiết khấu thì nên tìm giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, kinh doanh trên thị trường; đồng thời xem xét cho doanh nghiệp thua lỗ có quyền được ra khỏi thị trường.
Trong lúc chờ Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu được ban hành và có hiệu lực, theo các chuyên gia, thị trường xăng dầu tại Việt Nam cần hướng đến cải cách toàn diện hơn.
Đại diện VESS đề xuất, cần tách bạch các phân đoạn thị trường trong chuỗi cung ứng để tăng tính chuyên môn hóa của mỗi phân đoạn và tính cạnh tranh trong mỗi phân đoạn; cải cách thị trường theo hướng tăng tính cạnh tranh trên tất cả các phân đoạn thị trường của toàn chuỗi cung ứng thông qua việc giảm điều kiện kinh doanh. Ngoài ra, các thị trường khác nhau (xuất nhập khẩu, phân phối, đại lý, bán lẻ…) cần được thiết kế hệ thống động lực và cơ chế vận hành tách biệt nhau, nhằm tăng tính chuyên môn hóa và tính cạnh tranh trong mỗi thị trường.
Một chuyên gia nhìn nhận, trong thời gian qua, không chỉ doanh nghiệp bán lẻ, phân phối mà doanh nghiệp đầu mối cũng rất khó khăn. Quan trọng nhất vẫn là đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, rà soát chi phí định mức trong công thức tính giá cơ sở trên cơ sở phát sinh. Do đó, việc sửa Nghị định là rất cần thiết nhưng không vội vàng, cần sửa căn cơ, lâu dài, hướng tới thị trường hơn để giảm bớt cả khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước, bởi nguồn lực của Nhà nước có hạn, không thể chạy theo những thay đổi quá nhanh chóng của thị trường.