“Trần tăng trưởng tín dụng không phải là đũa thần để trị lạm phát hay bất ổn vĩ mô”
Đăng vào 23/06/2022
PGS.TS. Phạm Thế Anh cho rằng trần tăng trưởng tín dụng không phải là biện pháp có thể khống chế lạm phát hay bất ổn kinh tế vĩ mô. Công cụ này, ngược lại, còn tạo ra nhiều hệ lụy cho kinh tế thị trường.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 5/2022, dư nợ tín dụng đạt trên 11 triệu tỷ đồng, tăng 8,04% so với đầu năm, cao hơn hẳn mức tăng 4,95% của cùng kỳ năm trước. Như vậy, có thể thấy nhu cầu vốn của nền kinh tế sau đại dịch là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay nhiều ngân hàng lại gần như hết “room”, nhất là các ngân hàng lớn, dẫn đến việc cấp vốn cho cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, nhiều ngân hàng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng song cơ quan quản lý vẫn đang trong trạng thái cân nhắc.
Để có một góc nhìn sâu về room tín dụng, Reatimes đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Thế Anh – Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân.
PV: Theo ông, việc nới room tín dụng trong bối cảnh hiện nay có thực sự cần thiết?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Số liệu thống kê 5 tháng đầu năm 2022 đã cho thấy, cầu tín dụng đang tăng mạnh, tốc độ tăng trưởng gấp 1,6 lần cùng kỳ năm trước, gồm cả nhu cầu tín dụng dân cư và nhu cầu đầu tư sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp. Đây là điều dễ hiểu bởi từ đầu năm nay, nền kinh tế đã thoát khỏi “bóng ma” dịch bệnh và đang trong quá trình phục hồi tích cực.
Việc nhiều ngân hàng cạn room tín dụng rõ ràng đang tạo ra áp lực vốn cho doanh nghiệp, nhất là khi thị trường trái phiếu tắc nghẽn, thị trường cổ phiếu có nhiều diễn biến bất lợi. Nhu cầu vay vốn để đầu tư, sản xuất kinh doanh là chính đáng, và nếu nhu cầu đó đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn tài chính thì có lý do gì mà Chính phủ lại không đáp ứng.
Chúng tôi cho rằng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc việc nới room tín dụng, miễn là các ngân hàng đảm bảo các tiêu chí như: Tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ nợ xấu, cơ cấu giữa huy động ngắn hạn với cho vay trung và dài hạn…
PV: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ khoảng 14% và trong 5 tháng đã tăng 8,04%, như vậy dư địa tăng trưởng 7 tháng còn lại là khá hạn hẹp. Theo ông, đó có phải là lý do chính đáng để nới room?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Đó cũng là một khía cạnh đáng để xem xét. Song, chúng tôi cũng lưu ý rằng trong nửa đầu năm, tín dụng có thể tăng nhanh hơn giai đoạn sau, đồng nghĩa, những tháng sau, tăng trưởng tín dụng có thể giảm tốc. Tuy nhiên, nguyên tắc quan trọng là điều hành tín dụng phải linh hoạt, tùy nhu cầu của nền kinh tế để đảm bảo quá trình hồi phục không bị tắc nghẽn.
PV: Nếu nới room, theo ông nên nới như thế nào?
PGS.TS: Phạm Thế Anh: Vấn đề không nằm ở việc cho vay bao nhiêu mà là khoản vay có đáp ứng tiêu chí an toàn hay không. Các ngân hàng thương mại luôn nhìn vào khả năng trả nợ của khách hàng để quyết định giải ngân. Với những khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh tốt, có khả năng trả nợ thì không có lý do gì lại không cho họ vay. Nhìn rộng ra, việc kiểm soát trần tăng trưởng tín dụng không quan trọng bằng việc kiểm soát các chỉ tiêu an toàn khác.
PV: Điều ông nói khiến người ta đặt câu hỏi, động thái cân nhắc room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua phải chăng cho thấy hệ thống ngân hàng đang “có vấn đề”?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Chúng tôi không có đầy đủ dữ liệu để có thể kết luận hệ thống ngân hàng “có vấn đề” hay không. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và ghi nhận của báo chí cho thấy hệ thống vẫn đang ở trạng thái tốt và nếu thực sự tốt thì có lý do gì để chậm trễ nới room.
PV: Vậy theo ông, Ngân hàng Nhà nước đang tính toán điều gì?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Có lẽ họ đang thận trọng vì những lý do sau. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy thị trường tài sản tăng trưởng quá nóng trong 2 năm qua, do vậy cần chậm lại một chút để xem dòng tiền chảy về đâu.
Thứ hai, trong bối cảnh nhiều ngân hàng thương mại lớn đang cạn room, không loại trừ khả năng họ muốn chia “miếng bánh tín dụng” sang các ngân hàng thương mại nhỏ hơn hoặc ưu tiên cho một số đơn vị nào đó. Chẳng hạn, các ngân hàng mạnh đứng ra tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thì được phép tăng tín dụng mạnh hơn và đây cũng là một cách mà Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ họ.
Nhìn chung, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ bởi Ngân hàng Nhà nước và họ có thể dùng quyền phân bổ tín dụng để xác lập trật tự giữa các ngân hàng.
PV: Một trong những giải thích cho việc cân nhắc nới room tín dụng là lạm phát, ông nghĩ sao về điều này?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Về lâu dài, lạm phát trong nền kinh tế được quyết định bởi tăng trưởng cung tiền hơn là tăng trưởng tín dụng. Song, nếu Ngân hàng Nhà nước không kiểm soát tốt cung tiền, họ buộc phải dùng tới công cụ trần tăng trưởng tín dụng để kiểm soát nhu cầu đầu tư, tiêu dùng của nền kinh tế, qua đó để kiểm soát lạm phát.
Việt Nam trong hơn một thập niên qua tăng trưởng cung tiền rất cao, giai đoạn 2008 – 2012 lên tới 30 – 40%, sau đó giảm xuống 20% và những năm gần đây là 15%. Bối cảnh này là nguyên nhân khiến Ngân hàng Nhà nước phải áp trần tăng trưởng tín dụng và do đó, lo ngại của họ về lạm phát có thể xem là chính đáng.
Tuy nhiên, cần phải thấy rằng tăng trưởng cung tiền của Việt Nam cao là do Ngân hàng Nhà nước những năm qua tích trữ ngoại tệ, mua ròng trái phiếu Chính phủ để tài trợ cho đầu tư công và bù đắp thâm hụt ngân sách. Cần phải giải quyết cái gốc vấn đề này thì mới kiểm soát tốt lạm phát và bớt đi cách thức can thiệp vào thị trường bằng trần tăng trưởng tín dụng.
PV: Có giải thích rằng sự tồn tại của trần tăng trưởng tín dụng là do thị trường vốn quá non trẻ. Ông có đồng tình vói ý kiến này không?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Chúng tôi thấy trần tăng trưởng tín dụng là công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngân hàng thương mại nên nó không phù hợp về lâu dài. Hầu hết các nước trên thế giới đã từ bỏ công cụ này từ cách đây vài chục năm.
PV: Ông có thể nói sâu hơn về hệ lụy của việc áp trần tăng trưởng tín dụng?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Một cách trực tiếp, trần tín dụng làm giảm sự cải thiện của các ngân hàng thương mại. Một ngân hàng tốt, phấn đấu chỉ tiêu an toàn tốt nhưng bị vướng trần tăng trưởng tín dụng thì sẽ mất đi động lực phấn đấu.
Hai là làm chi phí lãi vay cao, khó hạ xuống. Ngân hàng thương mại tốt, chỉ tiêu tốt nhưng không thể cho vay vì hết room thì không có động cơ cạnh tranh hạ lãi suất cho vay. Nếu không vướng trần, các ngân hàng đương nhiên sẽ phải cố gắng tìm kiếm mở rộng khách hàng và cạnh tranh với nhau bằng cách giảm mặt bằng lãi.
Thứ ba, điều quan trọng là cách thức xác định trần tín dụng ở Việt Nam đang có vấn đề. Ngoại trừ chính Ngân hàng Nhà nước và cơ quan quản lý liên quan, chúng ta không biết công thức xác định trần tín dụng là gì, cơ chế phân bổ cho các ngân hàng dựa vào đâu. Võ đoán thì có thể nói rằng, sự tồn tại của cơ chế kém minh bạch này là do sự yếu kém của hệ thống ngân hàng Việt Nam, vì nếu công bố rõ ràng, có lẽ nhiều ngân hàng không được phép tăng trưởng tín dụng nữa. Và đối với cơ quan quản lý có sức mạnh toàn diện như Ngân hàng Nhà nước, họ sẽ muốn ai cũng có phần, dù ít hay nhiều.
Lý do lo ngại các ngân hàng chạy đua lãi suất huy động thì chúng tôi cho là chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Nguyên nhân là việc chạy đua huy động chỉ diễn ra trong thời kỳ không kiểm soát được lạm phát, các ngân hàng khó huy động tiền gửi từ dân, các ngân hàng, nhất là ngân hàng nhỏ khi phải đối mặt với nguy cơ mất thanh khoản. Nếu kiểm soát tốt lạm phát thì không cần lo ngại.
PV: Nếu bỏ trần tăng trưởng tín dụng, việc quản lý hệ thống ngân hàng sẽ diễn ra thế nào, thưa ông?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Ngân hàng Trung ương có đầy đủ công cụ để quản lý thị trường. Nhưng trong các công cụ, trần tăng trưởng tín dụng là công cụ thô sơ và dễ sử dụng nhất, tiện cho việc quản lý nên có thể được ưa thích sử dụng.
Phải nhấn mạnh rằng, trần tăng trưởng tín dụng không phải là cây đũa thần có thể khống chế lạm phát hay bất ổn kinh tế vĩ mô. Gốc của vấn đề lạm phát, như trên đã nói, là cung tiền tăng quá nhanh, là thâm hụt ngân sách.
PV: Khi room tín dụng cạn, doanh nghiệp bất động sản là nhóm bị ảnh hưởng nhiều hơn cả, nhất là khi thị trường vốn đang tắc nghẽn. Ông có nghĩ việc kiểm soát dòng vốn vào bất động sản có đang hơi thái quá?
PGS.TS Phạm Thế Anh: Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định không siết tín dụng vào bất động sản mà chỉ kiểm soát rủi ro. Nhưng việc ngân hàng cạn room tín dụng đã ảnh hưởng rất lớn tới khả năng tiếp cận vốn của nhóm doanh nghiệp bất động sản, nhất là khi thị trường trái phiếu tắc nghẽn. Đây là nguy cơ không tầm thường bởi doanh nghiệp bất động sản không có vốn sẽ không thể phát triển dự án, không thể bán hàng và không thể tạo ra dòng tiền trả nợ ngân hàng, trả nợ trái phiếu hiện hữu. Hệ lụy là thị trường vừa không có nguồn cung, giá bán leo thang và rủi ro nợ xấu gia tăng, tác động lan tỏa là nhiều ngành liên quan chậm hồi phục.
Chúng tôi cho rằng, việc kiểm soát tín dụng vào bất động sản cần được cân nhắc. Với người mua nhà thì không cần kiểm soát quá chặt vì đây là tín dụng lành mạnh, có tài sản bảo đảm, phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân và tạo ra sự ổn định xã hội. Với doanh nghiệp bất động sản thì cơ quan quản lý cần thống nhất về chỉ tiêu an toàn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Đối với thị trường trái phiếu, ngăn cấm là lợi bất cập hại, thay vào đó cần phải xây dựng lộ trình, hành lang pháp lý vững chắc để doanh nghiệp yên tâm huy động vốn, đơn cử là việc xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm hoặc yêu cầu doanh nghiệp phát hành công bố thông tin như doanh nghiệp niêm yết. Cũng không nên đưa ra các yêu cầu quá khắt khe với việc phát hành trái phiếu, ví dụ như yêu cầu doanh nghiệp phát hành phải có tài sản bảo đảm, vì nếu như vậy thì họ đã đi vay ngân hàng rồi…
– Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!