Lỡ nhịp hồi phục
Kinh tế Việt Nam chín tháng đầu năm và cả năm 2021 chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VESS, Việt Nam lỡ nhịp phục hồi so với các quốc gia khác do đã bỏ lỡ cơ hội phủ vaccine kịp thời. Đến hết quí 3-2021, mức độ tiêm phủ vaccine của Việt Nam so với thế giới ở mức trung bình thấp.
Đến nay, khi các nước đã đi vào quỹ đạo tương đối ổn định với độ phủ vaccine cao để mở cửa và giao lưu kinh tế, Việt Nam vẫn đang bối rối. Điều đó gây ra các đứt gãy chuỗi cung ứng từ nhập khẩu cho tới xuất khẩu và cả sản xuất nội địa.
Doanh nghiệp đình đốn sản xuất, người lao động thất nghiệp phải di chuyển về quê. Các doanh nghiệp nội địa phải gồng gánh và chịu đựng rất nhiều khó khăn. Điều này sẽ còn tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới, vì khi thị trường lao động xáo trộn, doanh nghiệp bắt đầu mở lại sản xuất sẽ mất độ trễ tính theo tháng.
Giá các mặt hàng năng lượng và nguyên vật liệu trên thị trường thế giới tăng vọt, tác động tới yếu tố đầu vào sản xuất của doanh nghiệp, cũng là khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối diện.
Giá dầu tăng sẽ tác động tới chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất, đặc biệt ở Trung Quốc. Việt Nam, nước nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc, sẽ phải chấp nhận điều đó như một cái rủi ro của nền kinh tế thị trường.
Trong bối cảnh đó, VESS đưa ra một số kịch bản dự báo về tăng trưởng cho năm 2021. Ở mức cao, tăng trưởng GDP sẽ đạt 1,8%. Ở mức thấp, tăng trưởng đạt 0,2% và với kịch bản này, kinh tế gần như không tăng trưởng.
Để có kịch bản tăng trưởng cao, cả nước cần thống nhất được biện pháp thích ứng với dịch để đảm bảo được sản xuất lưu thông hàng hóa. Vaccine phải được tiêm mở rộng không chỉ ở các trung tâm kinh tế lớn.
Nếu chính sách của Việt Nam chưa đạt đến sự đồng bộ, nhất quán ở địa phương, ngành, lĩnh vực thì khả năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào kịch bản thấp. Dịch bệnh có thể tái phát ở một số địa phương làm cho việc đi lại, đóng mở trở lên bất thường, doanh nghiệp khó có một kế hoạch sản xuất chủ động của mình. Thiếu lao động làm cho quá trình phục hồi khi có cơ hội cũng không diễn ra được ngay. Cùng với đó, chi phí tăng cao từ đầu vào của thế giới sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế.
TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Kinh tế trưởng VESS, nhận định rằng nếu nhìn vào tăng trưởng so sánh theo giá cố định quí 3 có thể thấy tác động của các biện pháp phong tỏa, tác động của dịch bệnh làm cho nền kinh tế suy giảm thế nào so với quí trước.
Chi phí sản xuất trong giai đoạn tới cũng sẽ tăng rất mạnh, nhưng chi phí sản xuất phản ánh vào giá thành sản phẩm sẽ có độ trễ nhất định. Hiện nay, giá cả bắt đầu tăng nhưng sức mua không nhiều. Vì vậy, Việt Nam có thể lâm vào tình trạng vừa lạm phát vừa đình trệ.
Dịch vụ lưu trú ăn uống, bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo… gần như đóng cửa hết, có ngành sụt giảm rất mạnh, khoảng 30-40%.
Tuy nhiên, một số ngành đang được lợi như y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, tài chính ngân hàng. Hoạt động liên quan tới sản xuất nông nghiệp, thủy sản, liên quan tới chuyển đổi số trong dịch bệnh trong quí 3 duy trì được tăng trưởng rất tốt. Nhìn vào cổ phiếu các ngành này cũng có thể thấy tăng rất mạnh.
Thời gian tới nếu Việt Nam mở cửa trở lại, ngành chế biến chế tạo sẽ hồi phục rất mạnh do nguồn cung hàng hóa thế giới hiện nay rất khan hiếm. Nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu lớn trong khi nhiều siêu thị thiếu vắng các hàng hóa cơ bản.
Nguy cơ vừa lạm phát vừa đình trệ
TS. Phạm Thế Anh chỉ ra một vấn đề khác của kinh tế Việt Nam là giá cả. Nhìn lại số liệu thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng rất thấp, bình quân chín tháng năm 2021 tăng 1,82% so với bình quân cùng năm 2020.
Tuy nhiên nhìn vào chỉ số giá khác như Deflator (chỉ số giá phản ánh tất cả các loại mặt hàng trong nền kinh tế, không chỉ riêng giá tiêu dùng), trong chín tháng đầu năm trung bình tăng 23%, gấp 10 lần so với chỉ số CPI.
Thông thường hai chỉ số này sẽ biến động cùng nhau, nhưng hiện nay chúng đang tăng không đều như một hiện tượng lạ trong nền kinh tế.
Việt Nam cần phải kiên định với các nguyên tắc kinh tế thị trường đã được xác lập để điều hành kinh tế hiện nay. Việc huy động nguồn lực trong xã hội cần thống nhất thực hiện thông qua công cụ lãi suất và các cơ chế đã có trên thị trường tài chính mà đối tượng là tiền đồng.
Như vậy, sức ép lạm phát không hề nhỏ như con số CPI phản ánh. Lý do chủ yếu do sức cầu yếu trong quí 3, do phong tỏa, người tiêu dùng không mua sắm được. Hàng hóa của doanh nghiệp bị đứt gãy, không tới tay người tiêu dùng. Giá cả không được phản ánh đầy đủ trong CPI.
Sớm muộn, chi phí sản xuất cũng phản ánh vào giá hàng hóa đầu ra. Giá nguyên vật liệu từ xăng dầu đến nguyên vật liệu cơ bản cũng tăng rất mạnh, ngoài ra còn chi phí logistics và phòng, chống bệnh dịch, đang khiến giá thành sản xuất tăng cao.
Khi nền kinh tế mở cửa, cầu tăng trở lại, sức ép lạm phát sẽ rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh tiền tệ hiện nay. Lãi suất tiền gửi thấp, nhu cầu vay vốn sản xuất gần như không có, các ngân hàng cũng khó huy động vốn. Nguồn tiền đổ vào thị trường chứng khoán, bất động sản rất lớn. Bong bóng tài sản đã xảy ra rồi, giá cả nhà đất tăng gấp 2, gấp 3 trong năm qua. Do vậy, dư địa chính sách tiền tệ rất hẹp.
TS. Nguyễn Đức Thành cũng đồng ý với TS. Phạm Thế Anh về các vấn đề giá tài sản và CPI tăng. Theo ông, chi phí sản xuất trong giai đoạn tới cũng sẽ tăng rất mạnh, nhưng chi phí sản xuất phản ánh vào giá thành sản phẩm sẽ có độ trễ nhất định. Hiện nay, giá cả bắt đầu tăng nhưng sức mua không nhiều. Vì vậy, Việt Nam có thể lâm vào tình trạng vừa lạm phát vừa đình trệ.
Trong khi đó, vốn tiếp tục nằm trong thị trường tài sản. Theo TS. Nguyễn Đức Thành, chính sách tiền tệ tiếp tục mở rộng chỉ khiến bong bóng tiếp tục phồng lên. Sử dụng chính sách tiền tệ mở rộng là một sự cám dỗ, đỡ đau trước mắt nhưng ảnh hưởng lâu dài.
TS. Phạm Sỹ Thành, chuyên gia kinh tế, chỉ ra năng lượng cũng là vấn đề cần quan tâm trong năm nay. Trung Quốc – quốc gia ảnh hưởng lớn tới chuỗi cung ứng toàn cầu, đang căng thẳng về vấn đề năng lượng khi giá dầu tăng rất mạnh, câu hỏi đang được quan tâm là chuỗi cung ứng do Trung Quốc kiểm soát sẽ hoạt động như thế nào?
TS. Phạm Sỹ Thành cho rằng, có thể thấy rõ căng thẳng này là khi giá dầu tăng rất mạnh Trung Quốc ngay lập tức hạn chế, thậm chí dừng xuất khẩu phân bón ra nước ngoài. Phân bón là ngành dựa rất nhiều vào dầu mỏ và các hóa chất. Điều này phản ánh năng lượng tác động thế nào đến nội tình của Trung Quốc và cho thấy một nhược điểm của quốc gia này.
Có thể thấy, khi Trung Quốc gặp vấn đề, các nước xung quanh như Việt Nam cũng ảnh hưởng, làn sóng tăng giá sản xuất công nghiệp sẽ rất mạnh. Các nhà sản xuất trong ngắn hạn nên tính yếu tố này như một rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, câu chuyện năng lượng không phải chu kỳ mà là về cơ cấu. Cấu trúc sản xuất của toàn thế giới đang thay đổi trong đó có vấn đề năng lượng, vấn đề cung ứng.
Giá dầu tăng sẽ tác động tới chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất, đặc biệt ở Trung Quốc. Việt Nam, nước nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc, sẽ phải chấp nhận điều đó như một cái rủi ro của nền kinh tế thị trường.
Cẩn trọng trong chính sách giai đoạn tới
TS. Nguyễn Đức Thành đánh giá trước bối cảnh nền kinh tế phục hồi phụ thuộc nhiều vào mở cửa, tiêm vaccine vẫn là vấn đề chiến lược, trên cơ sở đó để đưa nền kinh tế trở về trạng thái lưu thông được hàng hóa cũng như con người.
Theo ông, Chính phủ nên tiếp tục thực hiện những gói tài khóa tập trung vào củng cố hạ tầng, trang thiết bị y tế, lực lượng các y bác sĩ, đồng thời hỗ trợ những người lao động mất việc (nhất là trong khu vực phi chính thức). Đặc biệt, Việt Nam cần có chủ trương chính sách rất rõ yêu cầu lãnh đạo tỉnh thực hiện đầy đủ “nghĩa vụ” tiếp nhận người lao động quay trở lại địa phương trong bối cảnh dịch bệnh như thế này.
Theo VESS, chính sách tiền tệ cần thích ứng hỗ trợ hồi phục nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế nhưng kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh mức 10%. Đi kèm đó là các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải, không quá chặt chẽ nhưng cũng không được quá thả lỏng. Bởi hiện nay mức hấp thụ của nền kinh tế không cao, các điều chỉnh có thể sẽ phản ánh vào giá cả. Khi giá cả bùng lên, việc kiểm soát sẽ gây rất nhiều “đau đớn”.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải kiên định với các nguyên tắc kinh tế thị trường đã được xác lập để điều hành kinh tế hiện nay. Việc huy động nguồn lực trong xã hội cần thống nhất thực hiện thông qua công cụ lãi suất và các cơ chế đã có trên thị trường tài chính mà đối tượng là tiền đồng.