VESS: Hướng tới một hệ thống quản trị tài nguyên tốt hơn trong ngành khai khoáng Việt Nam
Đăng vào 17/03/2023
Ngày 17/3, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) đã công bố kết quả nghiên cứu “Hướng tới một hệ thống quản trị tài nguyên tốt hơn từ cách tiếp cận kinh tế chính trị học hiện đại”. Nghiên cứu sẽ phân tích những động lực kinh tế của các bên tham gia thị trường khai khoáng, đồng thời xem xét những đặc thù thị trường dưới tác động của đặc điểm kỹ thuật ngành và thiết kế thể chế pháp định, từ đó tác động tới hành vi của các bên tham gia trên thị trường.
Toàn cảnh buổi công bố kết quả nghiên cứu. |
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đức Thành cho biết, ngành khai khoáng có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam nhưng hiện nay, ngành vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, nảy sinh nhiều vấn đề. Nghiên cứu lần này, sẽ chỉ ra những bất cập và giúp ngành khai khoáng Việt Nam hướng tới một hệ thống quản trị tài nguyên tốt hơn từ góc nhìn của kinh tế học chính trị hiện đại.
Nhóm nghiên cứu sẽ soi chiếu thông lệ trong ngành khai khoáng trên thế giới, từ đó tạo khung chung cho các doanh nghiệp, tìm ra những điểm sáng trong hoạt động khai thác của doanh nghiệp nước ngoài để áp dụng cho Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành – Giám đốc VESS phát biểu khai mạc. |
Ông Nguyễn Đức Thành chia sẻ, quyền lực kinh tế, thị trường sẽ định hình quyền lực của thể chế, ngược lại khi thể chế định hình rồi sẽ ảnh hưởng đến quyền lực kinh tế. Điều này sẽ giải thích hành vi của các bên hữu quan trong và toàn bộ hệ thống khai thác.
Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có nhiều nghiên cứu rõ ràng, định hình được chuỗi giá trị từ cách tiếp cận kinh tế. Nên chúng tôi hy vọng nghiên cứu sẽ giúp hình thành chuỗi giá trị trong ngành khai khoáng, góp phần phục vụ cho những nghiên cứu sau này.
ThS Phạm Văn Long – đại diện nhóm nghiên cứu trình bày nội dung và kết quả nghiên cứu. |
Trình bày nội dung kết quả nghiên cứu, Ths. Phạm Văn Long cho biết, mặc dù từng có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, những năm gần đây, đóng góp của ngành công nghiệp khai khoáng (không bao gồm hoạt động khai thác dầu và khí tự nhiên) vào GDP và lao động đều có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, quản trị tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam còn tồn tại nhiều bất cập, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.
Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã phát hiện nhiều thách thức trong quá trình quản trị ngành công nghiệp khai thác khoáng sản tại Việt Nam bao gồm:
Thứ nhất, tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam được quản lý bởi nhiều cơ quan. Do mỗi cơ quan có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nên quyền lợi nhận được cũng khác nhau. Điều này có thể dẫn đến sự chậm trễ hoặc xung đột trong việc ban hành chính sách.
Thứ hai, vẫn còn nhiều quy định về công khai đã được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên việc thực hiện còn chưa nghiêm túc và ảnh hưởng của hoạt động khai khoáng đến cộng đồng dân cư chưa được quan tâm đúng mực.
Thứ ba, hầu hết các tiêu chí liên quan đến cấp giấy phép khai thác theo các nguyên tắc trong khung quản trị tài nguyên thiên nhiên đều chưa đạt tiêu chuẩn.
Thứ tư, vẫn tồn tại tranh cãi về tính hợp lý của các quy định, về bản chất của tiền cấp quyền khai thác và thuế tài nguyên.
Đá hoa trắng (Ảnh minh hoạ) |
Những bất cập nêu trên cũng được Ths. Phạm Văn Long phân tích cụ thể áp dụng trong ngành khai thác đá hoa trắng trên địa bàn 2 tỉnh Yên Bái và Nghệ An.
Ông cho biết, tại địa phương, nhiều doanh nghiệp khai thác đá hoa trắng phản ánh rằng quy định tất cả các lô hàng xuất khẩu đều cần kiểm hóa là chưa hợp lý. Việc kiểm hóa làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, thông tin địa chất về các mỏ đá hoa trắng còn thiếu chính xác, dẫn đến chất lượng và trữ lượng mỏ, tỷ lệ thu hồi đá khối thực tế thấp hơn kỳ vọng của doanh nghiệp. Giấy phép được phân bổ chưa hiệu quả, trữ lượng được cấp phép chênh lệch so với trữ lượng đá trắng thực tế. Chưa có các quy định cũng như quy trình cụ thể trong việc đề nghị nâng cấp mỏ, chuyển đổi giấy phép, cơ quan cấp phép khai thác khiến doanh nghiệp khó khăn trong quá trình hoạt động. Thuế tài nguyên đối với đá hoa trắng ngày càng tăng và thiếu ổn định. Cùng với đó là với vị trí địa lý của mỏ không thuận lợi làm tăng chi phí vận tải khiến doanh nghiệp khai thác đá trắng Việt Nam khó cạnh tranh được với doanh nghiệp Malaysia.
Bên cạnh đó, nhiều mỏ đã được cấp phép khai thác nhưng chưa có cơ chế trong việc giải quyết đền bù, giải phóng mặt bằng để mở đường vào mỏ dẫn đến tình trạng mỏ được cấp phép nhưng không khai thác được, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.
Tại hội nghị cũng đã diễn ra phiên thảo luận giữa các chuyên gia kinh tế, khai thác khoáng sản và đại diện doanh nghiệp. |
Từ những bất cập trên, nhóm nghiên cứu cũng đã đề ra các khuyến nghị bao gồm: Cần ban hành các quy định để khuyến khích phát triển hoạt động khai thác khoáng sản ở công đoạn hạ nguồn, đặc biệt là hoạt động chế biến khoáng sản, nhằm định hình thượng nguồn theo hướng bền vững; Điều chỉnh các quy định liên quan đến cấp giấy phép khai thác nhằm giảm thiểu tình trạng khai thác trái phép và cho phép sự linh hoạt hơn trong việc tăng giá trị sản phẩm khai thác; Bổ sung các quy định về thu và phân bổ nguồn thu nhằm hướng tới một hệ thống tài khóa công bằng hơn trong lĩnh vực khai khoáng; Tăng cường sự tham gia (thực chất) của cộng đồng địa phương trong việc giám sát hoạt động khai khoáng nhằm tăng tính bền vững về kinh tế – xã hội – môi trường của hoạt động khai thác.
Minh Đức