Tại buổi trao đổi mở VESS TALK về kinh tế vĩ mô do VESS tổ chức ngày 18/10, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VESS nhận định, triển vọng tăng trưởng cả năm nay sẽ phụ thuộc lớn vào các yếu tố: (i) tốc độ và quy mô tiêm chủng vắc-xin; (ii) hiệu quả/phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống bệnh dịch; (iii) hiệu quả thực chất của các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng.Trải qua nhiều đợt dịch, đặc biệt là đợt dịch lần thứ tư đã khiến nền kinh tế kinh tế rơi vào rất nhiều khó khăn như: đứt gãy chuỗi cung ứng, xáo trộn thị trường lao động, doanh nghiệp nội địa bị tổn thương nặng nề, chi phí gia tăng… Trong khi đó, các động thái địa chính trị và biến động của kinh tế thế giới có thể tiếp tục làm gia tăng các rủi ro cho yếu tố đầu vào của doanh nghiệp (như giá nguyên, nhiên liệu) và có thể đẩy giá hàng hóa đầu ra tăng trong thời gian tới.
Cụ thể, VESS đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam với 2 kịch bản: Ở kịch bản cao, dự báo tăng trưởng GDP đạt mức 1,8%. Trong đó, ngành nông – lâm – thủy sản tăng trưởng ở mức 2,5%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 4%; ngành dịch vụ tăng trưởng 0%.
Kịch bản bày có thể đạt được nếu cả nước thống nhất các biện pháp thích ứng với dịch bệnh và vẫn đảm bảo sản xuất, lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy trong quý IV/2021. Đồng thời, các hoạt động sản xuất và tiêu dùng được phục hồi chậm nhưng tích cực. Về y tế, các trung tâm kinh tế hoàn thành kế hoạch tiêm chủng ngay trong nửa đầu quý IV/2021 và tiêm chủng tiếp tục được mở rộng ra các tỉnh trong những tháng cuối năm.
Trong khi đó ở kịch bản thấp, dự báo tăng trưởng GDP có thể chỉ ở mức 0,2%. Trong đó, ngành nông – lâm – thủy sản tăng trưởng ở mức 1,4%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 1%; ngành dịch vụ sẽ tăng trưởng âm 0,7%.
Kịch bản này có thể xảy ra trong trường hợp việc thực thi các chính sách thiếu đồng bộ, dịch bệnh có khả năng tái phát ở một số địa phương, dẫn tới việc phải thực hiện hạn chế đi lại, tình hình chưa cải thiện đáng kể trong năm 2021. Tình trạng “đóng – mở” lặp lại ở một số nơi xuất hiện các ca nhiễm, làm tăng tính bất định cho sản xuất. Điều này có thể khiến các đơn hàng tiếp tục rời khỏi Việt Nam do đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động diễn ra đến hết quý I/2022. Chi phí tăng cao khiến nhiều ngành thu hẹp, nhiều doanh nghiệp tiếp tục đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng.
Để đạt được mức tăng trưởng ở kịch bản cao, Giám đốc VESS cho rằng trong thời gian tới, các chính sách chiến lược cần tiếp tục tập trung vào việc ưu tiên và đẩy nhanh tiến độ, quy mô tiêm chủng vaccine về các địa phương, đảm bảo lưu thông hàng hóa.
Cùng với đó, cần thực hiện các gói tài khóa tập trung vào củng cố hạ tầng, trang thiết bị y tế, lực lượng y bác sĩ, đồng thời hỗ trợ người lao động mất việc (đặc biệt trong khu vực phi chính thức) và yêu cầu lãnh đạo các tỉnh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tiếp nhận người lao động trở lại địa phương.
Về tiền tệ, cần thực hiện chính sách tiền tệ thích ứng (đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế nhưng kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh mức 10%) đi kèm các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải, không quá chặt chẽ nhưng cũng không được chủ quan, bởi nếu mức cung tiền tăng mạnh trong khi khả năng hấp thụ của nền kinh tế không cao, có thể gây ra lạm phát.