https://dantri.com.vn/tam-diem/vi-sao-chua-nen-de-doanh-nghiep-tu-quyet-gia-xang-dau-20230301115516919.htm?fbclid=IwAR0H3ybr4LKsV03b3MlahAdjUIBW2G9kRZb9xt_sr5nuspnIxZZueL-_C38

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu. Tại đây, nhiều ý kiến của các Đại biểu Quốc hội đã được nêu ra nhằm giải quyết tình trạng bất cập của thị trường như: Phương pháp tính giá, việc sử dụng quỹ bình ổn hay điều kiện kinh doanh xăng dầu…

Hai vị Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cũng đã trình bày nhiều vấn đề liên quan đến việc quản lý nhà nước và tình hình thị trường xăng dầu thời gian qua. Song, các Bộ có vẻ vẫn chưa hoàn toàn thống nhất về việc bên nào chịu trách nhiệm tính giá xăng dầu bán lẻ, do các văn bản pháp luật còn dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.

Mặc dù việc tính giá cơ sở hiện nay hết sức rối rắm, phức tạp, cách tính chưa phù hợp cho quyền lợi của các bên và là một trong những nguyên nhân gây ra sự đứt gãy cung ứng trong giai đoạn vừa rồi, nhưng tôi không ủng hộ việc “thả nổi” ngay cho doanh nghiệp tự quyết định giá do cấu trúc độc quyền của thị trường này.

Khoảng 70% lượng xăng dầu trong nước được cung ứng bởi hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn, 30% còn lại là từ nhập khẩu. Petrolimex và PVOil thống lĩnh trong cả đầu mối nhập, phân phối, lẫn bán lẻ với thị phần tương ứng lần lượt khoảng trên 50% và 20%. Thị trường như vậy có dạng nhị quyền (duopoly), và nếu thả ra, các doanh nghiệp rất dễ chi phối hay ngầm thông đồng với nhau để ấn định giá, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt.

Vì sao chưa nên để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu? - 1
Thị trường xăng dầu cuối năm 2022 xảy ra hiện tượng đứt gãy nguồn cung (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Trước khi thả giá cho thị trường tự quyết định có lẽ Nhà nước nên có những giải pháp để thị trường cung ứng xăng dầu có thêm những doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh với Petrolimex và PVOil, tức là làm sao để chuyển từ cấu trúc nhị quyền sang độc quyền nhóm (oligopoly), nơi có nhiều doanh nghiệp lớn cạnh tranh với nhau hơn.

Có lẽ nhiều người còn nhớ thị trường viễn thông di động khi chỉ có Vinaphone và MobiFone, khác với khi có thêm Viettel thế nào. Cùng với việc cho phép người dùng dễ dàng chuyển đổi giữa các nhà mạng, công việc của Nhà nước trên thị trường này bây giờ lại là ngăn chặn việc giảm giá của các doanh nghiệp thống lĩnh nhằm tiêu diệt đối thủ cạnh tranh, chứ không phải là áp giá trần như trước.

Đặc biệt, các quy định mang tính triệt tiêu cạnh tranh hiện nay trên thị trường phân phối và bán lẻ xăng dầu cần phải được loại bỏ. Thật ngạc nhiên khi các cửa hàng bán lẻ chỉ được nhập hàng từ một đầu mối phân phối duy nhất, họ phải tiếp tục hoạt động ngay cả khi nhà phân phối giao hàng với mức giá tối đa mà Bộ Tài chính quy định (không được chiết khấu), nếu không muốn bị tước giấy phép.

Càng bán nhiều lỗ càng to, đây là lý do tại sao thời gian qua chúng ta bắt gặp những cây xăng đóng cửa từng phần, hoặc “bóp vòi” nhỏ lại, thử thách sự kiên nhẫn của người mua.

Ngoài ra, các quy định về điều kiện gia nhập thị trường nhập khẩu và phân phối,  hay khoảng cách tối thiểu giữa các cây xăng bán lẻ cũng cần được rà soát và loại bỏ.

Thật phi lý khi các cây xăng phải cách nhau một khoảng tối thiểu nào đó. Thị trường chỉ có thể cạnh tranh nếu bạn phi xe ra đầu phố, nơi có vài cây xăng cạnh nhau cho bạn lựa chọn, điều mà chúng ta thường thấy ở các nước phát triển. Bên này là Shell, bên kia đường có thể là BP hay Exxon.

Chỉ khi các doanh nghiệp có hội và buộc phải cạnh tranh với nhau thì họ mới có động lực nâng cao chất lượng dịch vụ, hạ giá bán, và Nhà nước cũng không tốn nguồn lực để quản lý, hay loay hoay tính giá như các Bộ đang phải làm.