TheLEADER – Ngoài tài chính, World Bank khuyến nghị các chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế có thể bổ sung thêm các biện pháp đảm bảo xã hội nhằm hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

https://theleader.vn/world-bank-viet-nam-can-can-trong-voi-khu-vuc-tai-chinh-1645096036515.htm

World Bank (Ngân hàng Thế giới) trong cập nhật mới nhất nhấn mạnh quan điểm thận trọng với khu vực tài chính nên được duy trì, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng có khả năng đã tác động đến chất lượng danh mục của ngân hàng, và có thể có tác động lan tỏa từ việc tăng lãi suất mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến thực hiện.

Trước đó, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo áp lực từ các động thái sắp tới của Fed đối với Việt Nam dù mức rủi ro không lớn.

Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên chính sách công tại Fulbright Việt Nam, nhận định khả năng cao Fed sẽ chỉ ngưng bơm tiền, tăng lãi suất, và thị trường tài chính vẫn sẽ có khả năng chịu đựng. Với kịch bản này, Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng về tỷ giá cũng như lãi suất, không cần điều chỉnh tăng lãi suất.

“Việt Nam tốt hơn nhiều các thị trường mới nổi khác là dòng vốn không bị đảo chiều khi Fed tăng lãi suất. Tuy nhiên, không nên kỳ vọng có thể mở cửa, đón dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh, kể cả trực tiếp lẫn gián tiếp”, ông nhấn mạnh.

Với kịch bản xấu – lạm phát tăng cao, áp lực Fed vừa tăng lãi suất, vừa phải hút tiền về, giảm quy mô bảng cân đối tài sản, thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ chao đảo.

“Điều kiện vĩ mô có tốt đến đâu, hỗ trợ kinh tế tốt đến đâu, mà kịch bản này xảy ra thì chứng khoán cũng bị ảnh hưởng”, ông Thành nhận định.

Đồng ý kiến, PGS.TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế vĩ mô, kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS), nhận định nếu Mỹ tăng lãi suất ba lần trong năm nay, mức cơ bản vẫn ở rất thấp.

Do vậy, với quan điểm chính sách hiện nay – cố gắng hạ lãi suất hơn, hoặc duy trì lãi suất, “Việt Nam chấp nhận sẵn sàng mất tỷ giá một chút. Tôi cho rằng đây cũng là điều có lợi cho kinh tế Việt Nam”.

Về tỷ giá, đồng Việt Nam có thể sẽ mất giá đôi chút 1 – 2%, nhưng tác động không nhiều do trong năm qua, đồng nội tệ đã đắt hơn.

World Bank lưu ý rằng Việt Nam cần duy trì các biện pháp y tế, như chương trình tiêm vaccine, thông điệp 5K, vì rủi ro bùng phát dịch với biến chủng Covid-19 mới ảnh hưởng đến kinh tế vẫn tồn tại. Trong khi đó, Việt Nam đang mở lại trường học, cũng như có kế hoạch gỡ bỏ hạn chế nhập cảnh với khách quốc tế để vực dậy ngành du lịch.

Việt Nam cũng có thể nâng cao chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế mới, bằng cách bổ sung thêm các biện pháp đảm bảo xã hội nhằm hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Để đảm bảo chương trình có tác động đến nền kinh tế như kỳ vọng, công tác triển khai cần được theo dõi chặt chẽ.

Trong tháng 1/2022, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội mới giai đoạn 2022 – 2023 đã được khởi động, với tổng quy mô các biện pháp tài khóa trong phạm vi ngân sách tương đương khoảng 4,5% GDP đánh giá lại.

Về thu ngân sách, biện pháp gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất tiếp tục được sử dụng, phản ánh thành công của công cụ này đã đạt được kể từ đầu khủng hoảng của công cụ chính sách tài khóa này.

Bên cạnh đó, thuế suất trị gia tăng (VAT) được giảm từ 10% xuống 8% ở hầu hết lĩnh vực, tương đương giảm thu từ thuế VAT khoảng 0,6% GDP đánh giá lại. Tất cả các biện pháp về thu ngân sách sẽ được triển khai trong năm 2022.

Các biện pháp về chi ngân sách (2,2% GDP đánh giá lại) chủ yếu bao gồm đầu tư công và hỗ trợ lãi suất. Đầu tư công (1,6% GDP đánh giá lại) bao gồm đẩy nhanh các dự án giao thông đã được đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025, và các dự án mới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đảm bảo xã hội, việc làm, chuyển đổi số, du lịch và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phần lớn hoạt động đầu tư mới trên sẽ được triển khai vào năm 2023, vì vậy có thể chưa tác động nhiều đến tăng trưởng trong năm 2022.

Theo World Bank, hỗ trợ bằng tiền cho người lao động vẫn ở mức không đáng kể (khoảng 0,1% GDP đánh giá lại), và được thiết kế dưới hình thức ưu đãi nhỏ để người lao động quay lại và tiếp tục sinh sống tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, và các khu vực kinh tế trọng điểm.

Phương Anh