Xu hướng chuyển dịch năng lượng và hàm ý chính sách đối với ngành Dầu khí Việt Nam
Đăng vào 20/10/2022
Ngày 19/10, tại khách sạn Công Đoàn, Hà Nội đã diễn ra hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Xu hướng chuyển dịch năng lượng và hàm ý chính sách đối với ngành Dầu khí Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức.
Toàn cảnh hội thảo |
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS). |
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành cho biết, hội thảo nhằm công bố nghiên cứu về xu hướng chuyển dịch năng lượng và hàm ý chính sách đối với ngành dầu khí Việt Nam. Ông bày tỏ mong nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia đến tham dự hội thảo nhằm tạo cơ sở cho những nghiên cứu sau này.
Bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cấp cao Tổ chức Oxfam tại Việt Nam. |
Bà Nguyễn Thu Hương chia sẻ, biến đổi khí hậu và thực trạng sử dụng năng lượng trên thế giới đã tạo ra sự dịch chuyển trên toàn cầu về triết lý phát triển, môi trường thể chế, quan điểm chính sách,… dẫn tới những thay đổi đáng kể trong mọi lĩnh vực của đời sống.
Ngành dầu khí Việt Nam hiện đang đối mặt với những rủi ro trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đòi hỏi những chính sách và chiến lược có tầm nhìn lâu dài của Chính phủ. Công tác kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò gặp nhiều khó khăn.
Trước bối cảnh đó, VESS thực hiện nghiên cứu nhằm làm rõ các xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới và tìm hiểu các tác động tiềm tàng của nó tới nền kinh tế Việt Nam nói chung và với ngành dầu khí tại Việt Nam nói riêng.
ThS. Phạm Văn Long, Đại diện nhóm nghiên cứu. |
Trình bày kết quả nghiên cứu, ThS. Phạm Văn Long cho biết, xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới dựa trên động lực từ vấn đề môi trường và động lực từ vấn đề kinh tế – xã hội.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó khi đã cùng các quốc gia cam kết hạn chế sự nóng lên toàn cầu và đưa mức phát thải về 0 vào năm 2050 tại hội nghị COP26. Để thực hiện cam kết của mình, trong dài hạn Việt Nam sẽ phải đề ra nhiều chiến lược nhằm hạn chế các nguồn phát thải khí CO2, trong đó quan trọng nhất là chuyển dịch năng lượng từ các nguồn nhiên liệu hoá thạch sang những nguồn năng lượng tái tạo.
Về lĩnh vực điện, điện than đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng cơ cấu phát điện của Việt Nam, nhưng việc sử dụng than để phát điện đã mang lại nhiều tác động tiêu cực với môi trường. Vì vậy, Việt Nam cần phải chuyển dịch dần sang các loại năng lượng tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như lựa chọn một giải pháp xanh hơn cho ngành năng lượng.
PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, Chuyên gia về Kinh tế năng lượng, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. |
PGS.TS. Bùi Xuân Hồi nhận định, chuyển dịch năng lượng ảnh hưởng rất nhiều đến ngành dầu khí. Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn kịch bản khả thi nhất. Tuy nhiên, câu hỏi nghiên cứu đặt ra chưa rõ ràng, cần các phân tích định lượng. Dựa trên cơ sở đó chỉ ra xu hướng chuyển đổi năng lượng nào là xu hướng khả quan nhất để giải quyết những bài toán xung quanh vấn đề và hàm ý về chính sách.
TS. Lê Minh Thống, Phó Trưởng khoa Kinh tế – Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội. |
TS. Lê Minh Thống cho biết, chuyển dịch năng lượng là vấn đề chung toàn cầu nhưng mỗi quốc gia sẽ có lựa chọn hướng đi khác nhau. Chuyển dịch năng lượng được đề ra để giải quyết câu chuyện biến đổi khí hậu.
Việt Nam có rất nhiều lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, vậy chúng ta cần làm rõ sẽ chuyển dịch theo hướng nào. Khi chuyển dịch năng lượng cần nhìn nhận về an ninh năng lượng, môi trường và kinh tế.
Chuyển dịch năng lượng trong ngành dầu khí sẽ tác động đến nhiều yếu tố: công nghệ, an ninh năng lượng,… Những vấn đề này cần được làm rõ và nghiên cứu nhiều hơn.
PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Chuyên gia tài chính công, Học viện Tài chính. |
PGS.TS. Vũ Sỹ Cường chia sẻ: “Chúng tôi nghiên cứu về tài sản mắc kẹt (tài sản bị mất giá, giảm giá trước thời gian dự kiến) trong ngành năng lượng. Cam kết của Việt Nam về phát thải ròng có thể khiến nhiều ngành bị ảnh hưởng về tài sản mắc kẹt trong đó có cả ngành dầu khí.
“Ví dụ khi thực hiện cam kết, nhà máy than cũ ko dùng nữa sẽ thành tài sản mắc kẹt. Đây là bài toán liên quan đến chi phí và lợi ích, sự thay đổi xu hướng chuyển dịch sẽ tạo ra nhiều tài sản mắc kẹt.”, PGS.TS Vũ Sỹ Cường nói. Ngành dầu khí có rất nhiều mảng nghiên cứu. Báo cáo này giống như cảnh bảo về xu hướng nhưng có nhiều vấn đề chưa đề cập. Báo cáo nghiên cứu lần này có nhiều thông tin nhưng sắp xếp chưa rõ, cần chỉ ra thêm các yếu tố ảnh hưởng đến chuyển dịch năng lượng: xu hướng tiêu dùng, địa chính trị, chính sách,…
TS. Nguyễn Hồng Minh, Nguyên Viện phó Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) |
TS. Nguyễn Hồng Minh – nguyên Viện phó VPI đánh giá báo cáo nghiên cứu có tác động tốt đến truyền thông, giúp nâng cao nhận thức, cảnh báo, nêu cao vấn đề.
“Ngành dầu khí đã quan tâm đến vấn đề chuyển dịch năng lượng 10 năm nay. Nếu chỉ mang tính truyền thông thì báo cáo này là đủ, nếu muốn đề ra các giải pháp cụ thể thì nên mời các chuyên gia từ ngành dầu khí”, TS. Minh chia sẻ.
Qua một loạt nghiên cứu, TS. Nguyễn Hồng Minh chỉ ra 5 lĩnh vực ngành dầu khí phải chuyển dịch để thành công: năng lượng tái tạo, chôn lấp CO2, tiết kiệm năng lượng cho chuỗi giá trị dầu khí, đầu tư vào kinh doanh, sản xuất hydrogen, v.v.
TS. Bùi Hải Thiêm, Chuyên gia lập pháp. |
TS. Bùi Hải Thiêm cho biết, ông cùng các cộng sự tiếp cận từ các bài toán thể chế liên quan đến thúc đẩy quản trị minh bạch trong dầu khí. Xu hướng xanh hoá quản trị công và kinh tế đang ngày càng phát triển. Hoạt động kinh tế, quản trị, năng lượng đang có vẫn đảm bảo nhu cầu của con người.
Giá trị quản trị công sẽ đóng góp thúc đẩy quản trị, giúp chúng ta tránh được rủi ro trong thời gian sắp tới. Bên cạnh đó, cần thay đổi, xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến hợp đồng dầu khí.
Nguyễn Hiệp – Minh Đức