Sự tồn tại của các cặp đôi cùng giới đã trở thành một hiện tượng được chính thức thừa nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới, và đối với Việt Nam, điều này đang được xã hội ngày càng nhận thức rõ, đúng đắn và sự ủng hộ ngày càng gia tăng. Trước những bước phát triển đó, các cơ quan chính sách, ở cấp cao nhất như cơ quan lập pháp cho tới các cơ quan hoạch định chính sách, cần nhìn nhận cộng đồng LGBT như một thực thể có đầy đủ quyền và năng lực kinh tế-xã hội và chính trị. Như vậy, đã đến lúc phải đặt vấn đề về quyền và nghĩa vụ công dân của các cặp đôi cùng giới, bao gồm quan hệ tài sản và những vấn đề liên quan khác. Đồng thời, cần có sự nhìn nhận khách quan, khoa học về mối quan hệ cùng chung sống và tham gia vào đời sống kinh tế – xã hội của các cặp đôi cùng giời, bao gồm: thị trường việc làm, chính sách lao động, mở rộng kinh doanh, cải thiện năng suất và sáng tạo, giảm thiểu chi phí xã hội vào việc đối phó với kỳ thị và phân biệt đối xử nhằm tăng hiệu quả tối đa phúc lợi xã hội chung cho công dân Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) phối hợp cùng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) thực hiện Nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế của chính sách về hôn nhân cùng giới tại Việt Nam. Dù điều kiện nghiên cứu còn nhiều hạn chế, nghiên cứu này hướng tới phân tích tác động vật chất (hay kinh tế) trực tiếp và gián tiếp của việc hợp thức hoá hôn nhân cùng giới tại Việt Nam, trong trường hợp chế định hôn nhân được mở rộng và áp dụng tương tự cho những người có mong muốn kết hôn cùng giới.

Báo cáo Tóm tắt chính sách của nghiên cứu xem tại đây.