Tải Tài liệu Nghiên cứu tại ĐÂY.

Nghề khai thác khoáng sản tại Việt Nam có lịch sử lâu đời. Từ thời đại đồ đồng, người Việt đã tiến hành khai thác đồng, kẽm, thiếc và vàng; trong khi đó, các khoáng sản phi kim như cao lanh được khai thác muộn hơn, từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên (Nguyen Ngoc Khoi, 2014). Nghề khai mỏ dần được hình thành và phát triển, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước các triều đại phong kiến. Tuy nhiên, việc khai thác thời kỳ này vẫn được thực hiện bằng phương pháp thủ công. Phải đến thời nhà Nguyễn, ngành công nghiệp khai thác khoáng sản (khai khoáng) mới được hình thành, và tiếp tục được tăng cường sau khi người Pháp cai trị Việt Nam. Sau khi giành độc lập năm 1945, chính quyền Việt Nam tiếp tục phát triển ngành công nghiệp này với sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc (Nguyen Ngoc Khoi, 2014). Nhiều mỏ khoáng sản bị tàn phá và đóng cửa trong chiến tranh cũng được hoạt động trở lại như mỏ than Phấn Mễ, Minh Khai, Đầm Đùn, Khe Bố được tổ chức lại năm 1949 – bốn mỏ than này được coi là những đơn vị công nghiệp nhà nước đầu tiên của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bộ Công thương, 2023). Đến giữa những năm 1990, hầu hết các mỏ và nhà máy chế biến khoáng sản đều do Chính phủ Việt Nam sở hữu (trừ một số mỏ khai thác vàng do tư nhân thực hiện). Tuy nhiên, đến năm 1996, khi Luật khoáng sản đầu tiên được giới thiệu đã cho phép tất cả các thành phần kinh tế đều được phép tham gia hoạt động khai thác khoáng sản. Một số công ty liên doanh giữa Việt Nam và nước ngoài hoạt động trong các lĩnh vực thăm dò, tìm kiếm, khai thác và sản xuất khoáng sản dần được hình thành như liên doanh giữa Liên đoàn Địa chất Nga với Công ty Kim loại màu Thái Nguyên trong sản xuất vàng, hay liên doanh giữa Ấn Độ và Pháp trong phát triển mỏ vàng tại Pắc Lạng (USGS, 1994).

Nghiên cứu “Hướng tới một hệ thống quản trị tài nguyên tốt hơn – Cách tiếp cận kinh tế chính trị” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) thực hiện, đã được hoàn thành nhờ sự giúp đỡ của nhiều cá nhân và tổ chức.