Tải bản tóm tắt tại ĐÂY.

Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước áp lực liên tục từ quá trình toàn cầu hóa và hội nhập khu vực ngày càng sâu sắc, đi liền với những rủi ro về bẫy thu nhập trung bình. Mặc dù có mức tăng trưởng liên tục trong ba thập niên cải cách và hội nhập (1990-2020), năng suất và đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực, các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung chưa đạt được lợi thế cạnh tranh nhằm đảm bảo cho cuộc đương đầu với thị trường toàn cầu. Tác phẩm này là công trình đầu tiên tập trung nghiên cứu đặc điểm và nguồn gốc của thay đổi năng suất lao động tại Việt nam trong quãng thời gian liên tục qua ba thập kỷ. Nghiên cứu này thực hiện một cuộc giải phẫu công phu, tiến trình tăng trưởng năng suất lao động của toàn nền kinh tế và các ngành theo thời gian, đồng thời thực hiện so sánh với tiến trình tương tự của các nước trong khu vực, theo những phương pháp khác nhau.

Khi đa số người lao động vẫn thiếu kỹ năng và các nhà máy hoạt động kém hiệu quả, Việt Nam khó có thể chinh phục thị trường toàn cầu với sản phẩm chất lượng cao và đổi mới. Những thách thức công nghiệp phải được vượt qua theo trình tự thích hợp mà không thể dễ dãi cho là có thể đi tắt đón đầu. Trước khi tiến tới làm quen với những công nghệ tiên phong như công nghệ sinh học, AI, IoT, blockchain… của nền Công nghiệp 4.0, những vấnd dề cơ bản như phương thức quản trị, hiệu quả nhà máy, kỹ năng và thái độ của công nhân, hiệu quả hành chính và hậu cần, v.v. phải cần được hiểu biết rộng rãi và áp dụng hiệu quả ở Việt Nam. Các công nghệ tiên phong sẽ chỉ trở nên có ý nghĩa khi các nhà máy Việt Nam hoạt động với hiệu quả đẳng cấp thế giới và công nhân Việt Namd dược đào tạo đầy đủ, có kỷ luật tốt, cũng là khi đất nước đã sẵn sàng chuyển từ thu nhập trung bình lên thu nhập cao.

Ấn phẩm này được chuẩn bị bởi các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Diễn đàn Phát triển GRIPS (GDF) thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia (GRIPS) tại Tokyo. Nhóm tác giả gồm PGS.TS. Nguyễn Đức Thành (VEPR và VESS), ThS. Phạm Thị Hương (VEPR) và Giáo sư Ohno Kenichi (GRIPS).