Chiều ngày 10/08/2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ hoạt động của Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam (VATJ), Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức buổi thảo luận chính sách với chủ đề “Mối quan hệ giữa thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá và phúc lợi hộ gia đình”.

Tải Tóm tắt chính sách và bài trình bày tại ĐÂY.

Ảnh buổi đối thoại được cập nhật liên tục tại ĐÂY.

Mở đầu chương trình, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành chia sẻ về bối cảnh cũng như mục tiêu của nghiên cứu. Tỷ lệ hút thuốc lá cao ở Việt Nam là nguyên nhân dẫn đến những hậu quả về kinh tế, xã hội và sức khỏe của đất nước. Để hạn chế tiêu thụ thuốc lá, Việt Nam đã áp dụng một loạt các sáng kiến, trong đó biện pháp tăng thuế đối với thuốc lá được đánh giá là thành công nhất. Tuy nhiên, quá trình này vấp phải sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá với lập luận chính rằng việc tăng thuế thuốc lá sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu tràn lan, bên cạnh tính chất lũy thoái của loại thuế tiêu dùng này đối với các đối tượng có thu nhập thấp. Sự can thiệp như vậy đã góp phần duy trì mức thuế thuốc lá tại Việt Nam gần thấp nhất trong khu vực ASEAN.

TS. Nguyễn Đức Thành khai mạc sự kiện

Tiếp theo, đại diện nhóm nghiên cứu TS. Lê Hương Linh và ThS. Phạm Văn Long đã có bài trình bày về kết quả Nghiên cứu: “Tác động của thuế thuốc lá đến phúc lợi đa chiều của hộ gia đình: Bằng chứng từ Việt Nam”. Qua rà soát, Nhóm nghiên cứu của VESS nhận thấy giá thuốc lá trên thị trường Việt Nam còn quá thấp so với thu nhập, khiến người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thuốc lá. Ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam có đặc thù là bị chi phối bởi độc quyền nhà nước.

TS. Lê Hương Linh trình bày kết quả nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tỷ lệ chi tiêu cho thuốc lá trong tổng chi tiêu cao hơn có ảnh hưởng tiêu cực đến phúc lợi đa chiều của hộ gia đình, đặc biệt là nhóm hộ nghèo. Điều này hàm ý rằng việc cắt giảm chi tiêu cho thuốc lá sẽ giúp cải thiện phúc lợi đa chiều của hộ gia đình tại Việt Nam. Mặc dù không thể phủ nhận những lợi ích về mặt kinh tế do ngành công nghiệp thuốc lá mang lại, nhưng những lợi ích  này cần được đặt lên bàn cân so sánh với sự phát triển con người trong dài hạn và bền vững theo đúng nghĩa của phúc lợi đa chiều: con người khỏe mạnh và hạnh phúc.

ThS. Phạm Văn Long trình bày kết quả nghiên cứu

Sự kiện tiếp tục với phần thảo luận chính sách sôi nổi giữa các đối tượng tham dư, nhằm kết nối các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và truyền thông có cùng mối quan tâm đến vấn đề cải cách thuế thuốc lá dựa trên tính công bằng đa chiều. Đây cũng là cơ hội để các cá nhân trao đổi ý kiến và thảo luận cùng các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan, góp phần nâng cao nhận thức và tăng cường những hiểu biết sâu sắc về vấn đề thuốc lá tại Việt Nam.