Do tính chất đa chiều của ngành khai thác khoáng sản, trong khuôn khổ hoạt động của Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam (VATJ), ngày 28/3/2023, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức Chương trình Đối thoại chính sách với chủ đề “Chi phí xã hội trong hoạt động khai thác mỏ”, nhằm thảo luận, đánh giá những tác động, cũng như tạo không gian đối thoại giữa các bên, góp phần thúc đẩy việc khai thác và quản trị hiệu quả các nguồn tài nguyên khoáng sản. Từ đó, đề xuất các khuyến nghị, chính sách khắc phục chi phí xã hội trong hoạt động khai thác mỏ.

Tài liệu buổi đối thoại xem tại ĐÂY.

Ảnh tại buổi đối thoại được cập nhật liên tục tại ĐÂY.

Mở đầu Chương trình, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VESS chia sẻ, việc khai thác tài nguyên khoáng sản, đặc biệt khi ở quy mô công nghiệp, thường đi liền với các vấn đề kinh tế – xã hội quan trọng. Về mặt xã hội – môi trường, có thể gây ra những xáo trộn xã hội tại địa phương và dẫn tới những xung đột lợi ích lớn. Về mặt kinh tế, việc khai thác tài nguyên không được quản lý đúng đắn cả trong khâu sản xuất lẫn khâu phân phối lợi ích, có thể khiến địa phương hoặc một lãnh thổ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong dài hạn mà những lợi ích ngắn hạn không bù đắp được. Ở cấp độ vĩ mô, một quốc gia phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên, trong khi thể chế có chất lượng thấp có thể dẫn tới việc quản lý chuỗi giá trị của toàn bộ quá trình khai thác kém hiệu quả và gây ra tình trạng giải công nghiệp hóa. Đây là hiện tượng ngành khai thác lấn át và triệt tiêu động lực của các ngành công nghiệp sản xuất mang tính sáng tạo, đi kèm với tình trạng vòng xoáy tham nhũng – chuyên quyền về thể chế do nhà nước lợi dụng nguồn thu có được nhờ khai thác tài nguyên. Từ đó, tạo ra khuynh hướng giảm động lực thực hiện trách nhiệm giải trình trước công chúng, cũng như không thực hiện đầy đủ trách nhiệm tài khoá đối với người nộp thuế.

Nghiên cứu của VESS đã chỉ ra, quá trình quản trị ngành công nghiệp khai thác tại Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập. Về thể chế, vẫn còn nhiều hoạt động khoáng sản chưa được quy định trong Luật Khoáng sản và chưa đồng bộ với các luật khác. Thêm vào đó, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi thành còn chậm, hệ thống chính sách, luật pháp chưa thật sự quan tâm đến phát triển các hoạt động khoáng sản phía hạ nguồn. Sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan liên quan chưa tốt, điều này một phần do tình trạng thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực ở cấp cơ sở… Mặc dù các cơ quan quản lý đã tìm cách giám sát hoạt động khai thác của doanh nghiệp nhằm đảm bảo việc kê khai đúng và đủ, nhưng việc triển khai trên thực tế còn nhiều bất cập, gây phiền hà, tốn kém và khó khăn cho doanh nghiệp và trên thực tế doanh nghiệp không khó để có thể lách hay đưa ra các lý do để có thể không thực hiện các quy định này.

Ngoài ra, việc phân bổ và sử dụng nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản cũng chưa hợp lý; thiếu quy định trong phân bổ nguồn thu giữa các địa phương, đặc biệt là những địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hoạt động khai khoáng (nơi có mỏ khai thác). Thậm chí, hiện chưa có cơ chế phân bổ để các địa phương nơi có mỏ khoáng sản được hưởng lợi nhiều hơn và trực tiếp từ hoạt động khai thác khoáng sản.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, mỏ là tài nguyên của Nhà nước, nhưng người dân xung quanh chịu ảnh hưởng lớn nhất, chưa kể đến nhà ở và xã hội trong quá trình khai thác, và sau quá trình khai thác, do đó hệ thống quản trị cần được thiết kế vững vàng hơn và nhà quản lý, người khai thác cần hiểu rõ về bản chất của tài nguyên khoáng sản thay vì chú trọng lợi ích kinh tế, để đảm bảo cho chi phí mà xã hội phải chịu ở mức thấp nhất, nhưng vẫn đảm bảo được nhu cầu tiêu dùng, khai thác. Đồng thời, cần có sự thiết chế, quản lý các mỏ tốt hơn và công khai minh bạch báo cáo của các dự án, để người dân, nhà nghiên cứu, nhà tổ chức xã hội đều được biết, nhằm mục đích cùng tham gia giám sát với Nhà nước, đồng thời giảm tải gánh nặng cho địa phương, tạo mội trường xã hội xung quanh mỏ được tốt hơn.

Tham dự Chương trình, các đại biểu đã được nghe bài trình bày tổng quan về Chiến lược của ngành khai khoáng và khuyến nghị chính sách. Phần đối thoại tập trung thảo luận vào các nội dung xoay quanh chủ đề về “Thúc đẩy sự tham dự của người dân nhằm tính đúng, tính đủ chi phí xã hội trong khai thác mỏ”.

PGS.TS. Lưu Đức Hải, Chủ tịch hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE), điều phối phiên thảo luận.

Ông Lộc Duy Êm, Bí thư chi bộ thôn Bản Hốc, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

TS. Lê Ái Thụ Chủ tịch Hội Địa chất Kinh tế Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Điềm, Thành viên Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam

PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Điềm, Thành viên Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam

PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Bộ môn Luật Kinh doanh, trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Ông Phú Tuệ Năng, Thành viên Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam

Ông Lại Hồng Thanh, Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia